'Vùng hủy diệt': Ẩn dụ rợn người về bệnh tật, sự tái sinh

05/10/2020 04:00 GMT+7

Với Annihilation ( Vùng hủy diệt ), đạo diễn Alex Garland tỉ mỉ mổ xẻ tâm lý con người thông qua cuộc hành trình truy vấn về cái chết, bệnh tật, sự tái sinh.

Kết hợp điện ảnh - y học và lồng nó vào trong vỏ bọc thể loại khoa học viễn tưởng giật gân, nam đạo diễn Alex Garland đã mang đến cho người xem một "vị" lạ của điện ảnh thông qua phim Vùng hủy diệt.
Bệnh tật và cái chết, những chủ đề dường như kiêng kỵ và ít ai muốn nói đến lại được đạo diễn 50 tuổi đem ra mổ xẻ trên màn ảnh rộng. Tác phẩm tuy là một “bom xịt” tại phòng vé (doanh thu toàn cầu trên 43 triệu USD, trong khi kinh phí thực hiện gần 55 triệu USD) nhưng lại nhận được cái gật đầu tán thưởng từ giới phê bình phim và khán giả đại chúng. Trên Rotten Tomatoes, phim được chấm 88% bởi giới phê bình từ 312 bài đánh giá, còn ở phần khán giả có đến 66% thích phim. Trên Metacritic, phim được chấm 7,9/10.
Vùng hủy diệt là tác phẩm chất lượng tiếp theo từ Alex Garland sau phim viễn tưởng về sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo là Ex Machina (2015). Trước đó, ông viết kịch bản cho nhiều phim nổi tiếng như 28 Days Later (2002), Sunshine (2007)... 

Rất nhiều thứ trong The Shimmer (vùng lấp lánh) bị biến đổi theo thời gian

Ảnh: Netflix

Phim theo chân một nhóm trí thức nữ bao gồm Lena (Natalie Portman), Ventress (Jennifer Jason Leigh), Anya (Gina Rodriguez)... nhận nhiệm vụ dấn thân vào một "vùng lấp lánh" (The Shimmer) gây nên bởi một vật lạ rơi xuống cạnh một ngọn hải đăng để tìm hiểu những điều khủng khiếp ẩn giấu bên trong. Một nhóm đàn ông đã xung phong trước họ khá lâu nhưng chỉ có người duy nhất trở về là chồng của Lena. Nhưng sự việc không dừng ở đó, khi tiến sâu vào "vùng lấp lánh", nhóm họ nhận ra những sự thật rùng rợn chưa từng thấy.
Nhóm của Lena bắt gặp thảm thực vật bị thay đổi, một con cá sấu bị đột biến, cái chết kinh hoàng của một đồng đội nam trước đó được ghi lại trong một thẻ nhớ... Tất cả điều đó khiến cả đội của cô phát hoảng. Khi nhận xét về phiên bản chuyển thể này, tác giả Jeff VanderMeer ca ngợi phim được làm hết sức "đầy đặn". 

Một sinh vật và bản sao của nó trong "vùng lấp lánh"

Ảnh: Netflix

Tác phẩm như ‘vương quốc của sự ẩn dụ’

Các nhà bình phim phương Tây, bao gồm những báo lớn, đều đề cập đến thể loại khoa học viễn tưởng cùng sự kinh dị (vốn gợi nhớ các phim kinh điển của Mỹ trước đây như Alien - 1979) đã được Alex Garland khai thác xuất sắc. Phim khiến khán giả trầm ngâm trước những điều nằm ngoài sự hiểu biết hạn hẹp của con người, mà ở trong phim, các nhân vật đến cuối cùng vẫn không biết họ đang đối mặt với thực thể gì và gọi chúng bằng cái tên là "vật xa lạ" (alien). 
Vùng hủy diệt được chuyển thể từ quyển sách cùng tên của nhà văn Jeff VanderMeer. Đây là một trong bộ ba quyển sách của Jeff VanderMeer, nhưng tác phẩm của Alex Garland chỉ chuyển thể quyển đầu tiên. Cái hay của đạo diễn ở đây là ông biết nắm bắt những gì cần chuyển thể để đưa lên màn ảnh và rồi đồng sáng tạo với chính nhà văn viết nên nó. Đây chính là điểm sáng trong tư duy tự sự trên màn ảnh của Alex Garland.
Trong bản sách, các nhân vật không có tên nhưng ở bản phim, họ được cho một cái tên, một quá khứ, và nhà làm phim đã đào thật sâu vào tâm lý của những nhân vật này để cho thấy sự lo lắng của từng người. Ở bản sách, không có quá nhiều sự đột biến, dị dạng của sinh vật bên trong The Shimmer nhưng trên phim, ê-kíp đã sáng tạo nên nhiều loài động, thực vật mang hình thù dị dạng...

Vùng hủy diệt dẫn người xem tìm kiếm những bí ẩn nằm ngoài hiểu biết của con người

Ảnh: Netflix

Cái hay của nam biên kịch còn nằm ở chỗ ông biến Vùng hủy diệt thành một tác phẩm nghệ thuật đa chiều. Nhà báo Matt Goldberg khen ngợi Vùng hủy diệt trên Collider: "Phim là một chủ đề, và nó mời gọi chúng ta diễn giải. Nghệ thuật vĩ đại mời gọi sự cắt nghĩa của người xem không phải bằng lý lẽ tủn mủn mà là khuyến khích họ khám phá những ý tưởng được nhà làm phim trưng ra một cách độc đáo. Và Vùng hủy diệt là một tác phẩm như thế". 
Nhà báo so sánh Annihilation với phim Mother! (2017) của đạo diễn Darren Aronofsky vốn gây phân cực dữ dội trong giới phê bình và cho rằng Vùng hủy diệt là "vương quốc của sự ẩn dụ". Matt Goldberg bóc một khía cạnh trong phim ra nói: nó ẩn dụ cho bệnh ung thư và cái chết. Ngay từ đầu phim, người xem bắt gặp một vật thể lạ lao xuống ngọn hải đăng và khiến mọi thứ xung quanh đột biến. Phạm vi ảnh hưởng của vật thể kia ngày càng lớn. Và ngay sau đó, Alex Garland dắt tay khán giả qua hình ảnh của những tế bào ung thư phân chia. "Vùng lấp lánh" gây ra bởi vật thể lạ, theo như thú nhận của các nhân vật trong phim, không hề phá hủy mọi thứ xung quanh, nó chỉ đơn giản nhân đôi mọi thứ và khiến chúng trở nên dị dạng, tạo nên một sự sống mới dị biệt. 

Biểu tượng cổ xưa "ouroboros" trên cánh tay của các nhân vật là chi tiết quan trọng

Ảnh: Netflix

Chi tiết nhân đôi mọi thứ trong phim dường như cũng mang ẩn dụ đó. Nếu xem kỹ, khán giả thấy rằng Alex Garland tinh tế trong việc lặp lại các hình ảnh quen thuộc như một sự gợi nhắc rằng kỹ thuật dựng phim cũng có thể là chỉ báo quan trọng dẫn khán giả đi đến những ý nghĩa sâu xa. Ở một cảnh phim, Lena và đồng đội bước vào một căn nhà có cầu thang gỗ, và chi tiết này rất giống với hình ảnh chiếc cầu thang gỗ nhà cô. 
Rất nhiều lần trong Vùng hủy diệt, đạo diễn cho người xem thấy trên tay nhân vật có hình ảnh của biểu tượng cổ xưa là "ouroboros", một con rắn uốn thành hình số 8 dạng nằm và tự ăn đuôi của chính mình. Phải chăng Alex Garland ngầm muốn người xem hiểu theo hướng cuộc sống là một vòng tròn luân hồi không có hồi kết? Matt Goldberg kết luận: "Đạo diễn đã làm một bộ phim về chúng ta và thứ đáng sợ nhất mà rất nhiều người từng đối mặt trong cuộc đời của mình". 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.