Vùng núi phía bắc vẫn còn nguy cơ lũ ống, lũ quét

05/08/2017 13:02 GMT+7

* Miền Trung nắng nóng gay gắt, Nam bộ ứng phó triều cường

Trong hai ngày cuối tuần (5 - 6.8), miền Bắc tiếp tục có mưa trên diện rộng, vùng núi vẫn còn mưa rất to nên nguy cơ lũ ống lũ quét vẫn còn tiềm ẩn.
Vùng đồng bằng và trung du đề phòng ngập úng, giông kèm theo gió giật mạnh. Qua tuần sau, hệ thống thời tiết xấu sẽ suy yếu dần nên mưa giảm nhanh, nắng tăng mạnh, xuất hiện đợt nắng nóng ngắn ở một số nơi với nhiệt độ 34 - 37 độ C, mưa tập trung về chiều tối trên diện hẹp vài nơi, vùng núi Tây Bắc vẫn còn mưa diện khá rộng.
Trong khi đó, ở miền Trung thời tiết chủ yếu vẫn là nắng nóng, trời ít mây nên nắng gắt và oi bức với nhiệt độ cao nhất 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Chiều tối có mưa rào và giông vài nơi. Như vậy, miền Trung đang trong giai đoạn cuối của mùa khô, hết tháng 8 sẽ có sự chuyển mùa. Thời tiết nắng nóng, mưa rào xen kẽ nên ở miền Trung chú ý sâu bệnh phát triển khi mùa mưa cận kề, bệnh lùn sọc đen, khô vằn, bạc lá, lem lép hạt gây hại tăng.
Tây nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam có cường độ còn hơi mạnh nên trong hai ngày cuối tuần sáng nắng, trưa chiều tối có mưa giông, có nơi mưa vừa mưa to và cần đề phòng gió giật mạnh. Qua tuần sau gió tây nam suy yếu dần cho đến hết tuần, do vậy mưa cũng giảm rõ rệt, nhất là ở các tỉnh ĐBSCL, còn miền Đông vẫn mưa trên một nửa diện tích nhưng chủ yếu là mưa nhỏ. Do có nắng nhiều hơn nên khá thuận lợi cho bà con thu hoạch lúa bị ngã đổ trong đợt mưa vừa qua, làm vệ sinh ruộng đồng chuẩn bị vào vụ mới.
Theo dự báo, trong 5 ngày tới mực nước các sông Nam bộ lên theo triều cường giữa tháng 6 âm lịch (nhuận), đến ngày 8.8 (17.6 âm lịch) tại Tân Châu sẽ lên mức 3,24 m, Châu Đốc 2,55 m; tại Cần Thơ là 1,43 m. Như vậy ở ĐBSCL, mực nước cao nhất xuất hiện vào gần cuối tháng 8, trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức 3,5 m và trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,0 m (mức BĐ1). Một số vùng nằm ngoài đê bao và trũng thấp vẫn có nguy cơ ngập úng, cần tranh thủ thu hoạch trước khi có lũ chính vụ đổ về trong tháng 9 và đầu tháng 10.2017.
Điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen, ẩm cao, có sương mù nên ở các tỉnh miền Nam đề phòng đợt rầy nâu gây hại trên các diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh, bệnh đạo ôn trên các trà lúa thu đông, lúa mùa trong giai đoạn đẻ nhánh - trổ đòng, cần phát hiện sớm và phòng trừ hiệu quả. Nửa cuối tháng 8 mưa tăng, thừa ẩm thiếu nắng nên trên các diện tích trồng hoa màu như ngô, mía, rau có thể các loại sâu phát triển nhanh gây hại. Đối với các vườn cam, quýt, bưởi chú ý theo dõi và phòng trừ bệnh vàng lá gân xanh trong thời kỳ mưa nhiều từ nay đến hết tháng 10, bệnh làm giảm năng suất và chất lượng trái cây có múi.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, khi phát hiện bệnh cần đo đoạn cành bị vàng lá rồi cắt đối xứng với đoạn cành lá còn xanh, bôi keo có pha thuốc trừ nấm lên vết cắt. Sau đó cần bón phân, tưới nước kích thích cho đọt mới mọc ra, phun thuốc trừ rầy để bảo vệ đọt non nhằm cây cho quả tốt vào thời điểm cuối năm.
Gió mùa tây nam sẽ suy yếu trong tuần tới, thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi, riêng vùng biển phía nam vẫn có thời tiết xấu, mưa rào và giông nên đề phòng gió giật mạnh vào cuối tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.