Vùng nước ngập Mễ Cốc: Những trang sách phơi dưới nắng

03/10/2019 16:04 GMT+7

Những ngày nước ngập vì triều cường, mưa lớn và vỡ bờ kè ở Mễ Cốc , P.15, Q.8, TP.HCM, bé Thảo không thể tự đến trường mà luôn có người lớn đưa đi vì lo nước dâng lên bất thường.

Đó là một khoảnh sân đủ rộng để bà Nguyễn Thị Độ phơi phóng quần áo, chăn ga, nệm, bát đũa sau trận ngập lịch sử ở Mễ Cốc, P.15, Q.8, TP.HCM những ngày qua.
Bên cạnh những đồ đạc đã sũng ra vì nước, là hàng chục cuốn sách, vở, đồ dùng học tập của cháu gái bà Độ, bé Nguyễn Thanh Thảo, đang học sinh lớp 8, Trường THCS Bình Đông. Những ngày nước ngập vì triều cường, mưa lớn và vỡ bờ kè ở Mễ Cốc, bé Thảo không thể tự đến trường mà luôn có người lớn đưa đi vì lo nước dâng lên bất thường.

Trẻ con thụt chân xuống cống

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt ở Mễ Cốc sau sự cố triều cường kết hợp vỡ bờ kè gần Cầu Kênh Ngang Số 3 đã rút gần hết, trừ một số hẻm trũng. Bùn đất và rác tù đọng khi có nắng lên thì bốc mùi khó chịu.
Xuyên qua các con hẻm của Mễ Cốc, chúng tôi gặp nhiều người đang phơi chăn chiếu, nệm, vật dụng của gia đình những ngày qua bị ngâm nước. Ngang qua căn nhà của bà Nguyễn Thị Độ hẻm 119/22 Mễ Cốc, bên cạnh nhiều quần áo, giày dép là rất nhiều sách vở của cháu Nguyễn Thanh Thảo, lớp 8 Trường THCS Bình Đông bị ướt sũng, đang phải hong nắng cho khô. “Mấy nay sắp nhỏ đi học phải có người lớn đi cùng để còn đề phòng nước lên, nguy hiểm”, bà Độ nói.

Bà Độ phơi sách vở, đồ đạc cho các cháu

Thúy Hằng

Biển nước trước Trường mầm non Bé Ngoan, đường Mễ Cốc

Trẻ chờ cha mẹ rước về

Bảo Vy

Bao giờ cho hết ngập? Điều ước không chỉ của người dân Mễ Cốc

Bảo Vy

Còn anh Đỗ Hùng Vương, 37 tuổi, chủ tiệm vật tư điện nước ở số 120 Mễ Cốc vẫn còn hú hồn chuyện đứa con học THCS của anh sáng 1.10 vừa bị thụt chân xuống cống ngay trên vỉa hè đường Mễ Cốc, do nước ngập, người ta mở nắp để thoát nước cho nhanh. “Tôi lôi con lên, thay đồ rồi hai cha con lại tới trường”, anh Vương kể.
Anh Vương cho biết cả 7 đứa trẻ (con và cháu của anh) đều nghỉ học trong những ngày nước ngập, bởi người lớn còn đi khó, không cẩn thận là ngã ngay, rồi khi ngập nước thì điện rò rỉ rất nguy hiểm, những cống rãnh bị hở nắp cũng không thể kiểm soát được hết...
Đó là những đứa trẻ ở vùng nước ngập Mễ Cốc. Còn người lớn, cha mẹ chúng, sau đợt ngập lịch sử vì triều cường cùng với vỡ bờ kè thì có người mất trắng từ vài chục triệu đồng đến cả vài tỉ đồng. 

Đứa trẻ bại não nằm ngơ ngác trên chiếc giường cũ nát

Khi chúng tôi đến gia đình anh Huỳnh Hoàng Dũng, 37 tuổi, nuôi cá ở hồ Ba Ngăn trong hẻm 121/10/13 Mễ Cốc, cảnh tượng còn đau lòng hơn. Từ hẻm dẫn vào hồ nuôi cá, nước vẫn còn ngập quá cổ chân, cá chết trắng suốt vệ cỏ bên đường, bốc mùi hôi thối. Những con cá còn sót lại trong hồ quẫy đạp liên hồi. Anh Dũng cho biết, cá đang tiếp tục chết.
Trong mấy ngày ngập nước vừa qua, dòng nước ô nhiễm bên ngoài tràn vào, anh chị đã vớt được mấy tạ cá chết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. “Nhà có hai vợ chồng, kéo đi bán cũng không xuể, mà nó đang giãy chết rồi, bán ai ăn?”, chị Trần Thị Tuyết Nga, vợ anh Dũng vừa phơi những miếng cá trên bờ rào vừa nói. Thuê hồ Ba Ngăn nuôi cá, rồi dựng tạm bợ gian nhà trên mặt hồ, vợ chồng chị Nga anh Dũng mưu sinh, nuôi 3 đứa con, đứa lớn nhất 13 tuổi bị bại não, nằm ngơ ngác trên chiếc giường cũ nát. Sắp tới đây, vợ chồng và đàn con nheo nhóc sống ra sao, chị Nga cũng không dám nghĩ tới.

Cá chết trên đường dẫn vào nhà chị Nga

Thúy Hằng

Chị Nga phơi cá để ăn dần

Trong căn nhà xập xệ này có 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất 13 tuổi đang bị bại não

Thúy Hằng

Ông Khoa Văn Mão, Bí thư chi bộ, chủ tịch Mặt trận tổ quốc khu phố 7, P.15, Q.8, cho biết khu phố 7 chịu thiệt hại nặng nề nhất trong toàn tuyến Mễ Cốc bị ngập này. “Có hơn 1.369 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đợt ngập lịch sử này, riêng khu phố 7 có hơn 500 hộ, trong đó có hơn 10 hộ là gia đình nghèo và chính sách. Có hơn 500 m bờ bao tính từ chân Cầu Kêng Ngang Số 3 tới ngã 3 Mai Hắc Đế, chúng tôi mong mỏi sẽ được gia cố cho thật chắc chắn, bởi từ đây đến cuối năm còn mưa lớn, triều cường, nếu tiếp tục vỡ bờ thì cuộc sống người dân không biết đi đâu về đâu”, ông Mão thông tin.
Lội nước ra khỏi những con hẻm đầy mùi rác, bùn và cá chết ở Mễ Cốc, hình ảnh những trang sách phơi dưới nắng trời cứ ám ảnh tôi không dứt. Rồi mai này, khi bờ kè vẫn chưa chắc chắn, ai dám đảm bảo sẽ không còn vỡ kè, nước ngập và những đứa trẻ tội nghiệp sẽ ra sao trong những mái nhà đã tạm bợ, nay còn chịu cảnh cha mẹ trắng tay?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.