Một tháng trước, bị khách hàng phản ánh đồ ăn có sán, Nguyễn Văn Thiện đã bắt nữ khách hàng quỳ gối rồi chửi mắng, thậm chí là tát vào mặt rồi cho Lăng Văn Vân quay và phát trực tiếp lên mạng xã hội. Hành động của ông chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện và nhân viên khi đó đã khiến dư luận rất bất bình.
1 năm tù cho Nguyễn Văn Thiện là một bản án mang tính cảnh báo, răn đe rất cao đối với người có thói quen hành xử côn đồ khi vụ việc được đưa ra xét xử rất nhanh bằng hình thức xử lưu động.
Song, có lẽ điều đáng nói là cho tới trước khi bị khởi tố bắt tạm giam, ông chủ quán Nguyễn Văn Thiện và cậu nhân viên vẫn không biết hành vi của mình đã phạm tội “làm nhục người khác” được quy định tại bộ luật Hình sự. Nếu biết hành vi của mình là phạm pháp, có thể đi tù, chắc chắn Thiện và Vân sẽ không bao giờ ngang nhiên để cơn “mất bình tĩnh” kiểm soát mình như vậy.
Đã có rất nhiều ví dụ thực tế về việc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật. Chuyện rất nhiều người bắt, giết động vật hoang dã, thậm chí là những động vật quý hiếm rồi “khoe” các “chiến tích” lên mạng xã hội là một ví dụ.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu cực kỳ quan trọng để các bộ luật được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống. Từ năm 2003, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị này, Bộ Tư pháp cho biết tình hình vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết trong cả nước ngày càng giảm. Thậm chí, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm giảm tới 20% số vụ việc vi phạm do “thiếu hiểu biết pháp luật”.
Tuy vậy, những vụ việc như Nhắng nướng Hiền Thiện hay một số vụ giết động vật hoang dã rồi khoe chiến tích lên mạng xã hội vẫn cho thấy còn nhiều “vùng trũng” về pháp luật. Rất nhiều người vẫn vô tư vi phạm pháp luật.
Trong Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32 được ban hành tháng 6 vừa qua cũng đã khẳng định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn thấp.
Những phiên tòa xét xử lưu động và được báo chí đưa tin rộng rãi có thể mang tới những bài học răn đe. Cũng như giá trị răn đe có sức ảnh hưởng lớn hơn nếu những phiên tòa nào kiểu này cũng được tổ chức nhanh chóng và kịp thời như vậy, lúc dư luận còn chưa nguội. Song các phiên tòa lưu động sẽ không còn cần thiết nếu các hội đồng phối hợp giáo dục phổ biến pháp luật tại các địa phương làm tốt hơn việc phổ cập pháp luật để người dân không vi phạm pháp luật một cách “vô tư” nữa.
Bình luận (0)