Vườn dâu sai trái trĩu cành nhìn 'đã con mắt' sát bên TP.HCM

21/05/2017 14:08 GMT+7

Những vườn dâu với trái chi chít bao bọc khắp thân và cành cây của vùng miệt vườn Đồng Nai khiến người nhìn phải ồ lên trầm trồ thích thú.

Những ngày này, các nhà vườn ở xã Tam An, Lộc An, An Phước (H.Long Thành), Long Tân, Phú Hội (H.Nhơn Trạch) của tỉnh Đồng Nai, đang bước vào mùa thu hoạch trái dâu. Trước đây, các hộ dân chỉ trồng một vài cây để lấy bóng mát và trái để ăn chơi.
Những năm gần đây, dâu bán được giá nên nhiều hộ đã trồng với diện tích lớn để kinh doanh. Những vườn dâu với trái dày đặc bao bọc từ gốc lên cành tạo thành từng chùm dài buông xoã xuống như bức rèm khiến người nhìn phải trầm trồ thích thú.
Mùa dâu ở Đồng Nai bắt đầu từ tháng giêng cho đến hết tháng 6, nhưng chính vụ vào tháng 4, lúc cả cây dâu chín vàng rực bao phủ kín mít khắp thân và cành.
Ông Huỳnh Văn Lang (63 tuổi, ấp 2, xã An Phước, H.Long thành), chủ của vườn dâu hơn 1ha cho hay, trước kia địa phương chỉ có giống dâu rừng, ra trái rất chua nên ít người mua. Người dân đã tìm cách cấy ghép gốc dâu rừng với giống dâu xiêm để cho cây dâu ra trái sớm, sai và thanh ngọt cho hiệu quả kinh tế khá cao gấp chục lần.
Cây dâu xiêm rất sai và trái lớn. Mỗi dây trái thường dài từ 25 cm đến 35cm, thậm chí có dây dài tới 50cm, cân nặng tới gần 1kg.
Trái dâu khi chín chuyển màu ngả vàng rất bắt mắt. Lúc thu hoạch dâu, người ta phải dùng kéo cắt từng chùm và đặt nhẹ nhàng vào giỏ. Nếu làm va đập mạnh thì trái dâu sẽ đứt khỏi chùm và vỏ thâm đen rất khó bán.
Cây dâu xiêm chỉ cần trồng khoảng 3 năm là bắt đầu ra trái, trung bình mỗi cây cho từ 2 - 2,5 tạ trái/vụ.
Mỗi vụ, cây dâu có thể ra tới 3 lứa trái xen kẽ nhau nên nhà vườn có thể thu hoạch liên tục trong nhiều tháng liền. Hoa dâu màu trắng bám theo cuống thành từng sợi dài như bức rèm đong đưa trong gió. Cây dâu đực khá nhỏ, chỉ ra hoa mà không đậu trái. Theo nhà vườn, tuỳ theo mật độ cây mà trồng xen vào một vài cây dâu đực và chăm sóc cho bông nở cùng dịp với cây dâu cái để thụ phấn thì năng suất mới cao.

Trái dâu thường bị chuột, dơi cắn phá nhưng ít ảnh hưởng. Mối nguy hại lớn nhất đến từ ruồi vàng đục quả, do đó người dân phải dùng thuốc treo lên cây để nhử bắt ruồi vàng.
Theo nhà vườn, cây dâu sinh trưởng phát triển mạnh là vậy nhưng cũng rất khó tính, phải trồng ở vùng mát đất như: đất gò và đất thịt và vùng đất thấp có con nước từ các nhánh sông, kênh rạch lên xuống chảy vào. Nhiều nơi trồng cây dâu vẫn phát triển ra hoa nhưng không đậu trái hoặc ra ít trái, bị lép và ăn không ngon. Ngoài ra cây dâu cũng rất kị ô nhiễm, chỉ cần nguồn nước bị ô nhiễm, có hoá chất, thuốc diệt cỏ,... là cây dâu không ra trái, héo úa rồi chết dần.
Các vườn dâu ở xã Phú Hội, An Phước được trồng tới nay cũng hơn chục năm, có vườn toàn cây cổ thụ tuổi từ 15- 20 năm. Cây dâu càng lớn, càng lâu năm thì trái càng nhiều, cành lá xum xuê xanh tươi quanh năm.
Cây dâu được người dân quan tâm chăm chút, tỉa tán, chăm bón nên càng sai trái đến trĩu oằn cành lá.
Mấy năm nay trái dâu được mùa được giá nên nhà vườn rất phấn khởi. Trái dâu đầu vụ được bán tại vườn với giá 25 ngàn đồng/kg, chính vụ giá từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg.
Trái dâu hái xuống được nhà vườn bó thành từng chùm khoảng 2kg và được mối đến thu mua ngay tại vườn.
Cây dâu xiêm trồng ở vùng miệt vườn Đồng Nai cho trái to tròn, thịt dày và thanh ngọt đậm đà hơn dâu trồng các vùng khác nên có giá đắt hơn từ 2- 3 ngàn đồng/kg.
Trung bình mỗi ha dâu cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, nhờ trồng dâu mà người dân có thêm chi phí để chăm lo cuộc sống no đủ và sung túc hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.