Vươn mình trong kỷ nguyên AI

07/12/2024 06:23 GMT+7

Không chỉ hào hứng vì hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch NVIDIA cùng thăm phố đêm ở phố Tạ Hiện (Hà Nội), công chúng nói chung và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước nói riêng, rất hân hoan khi VN bắt tay với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Cú hích cho sự phát triển AI của VN

Sự kiện ký kết thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) AI cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại VN hôm 5.12 là bước tiến mới hiện thực hóa thỏa thuận giữa Chính phủ VN và Tập đoàn NVIDIA vào 1 năm trước. Đồng thời, ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, cũng công bố sự hợp tác với Vingroup khi mua lại VinBrain - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI của tập đoàn này.

Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, hồ hởi nhận định VN đang ở giai đoạn tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số, với nhiều chính sách quốc gia về AI và hạ tầng số. Việc NVIDIA - một tên tuổi hàng đầu thế giới về AI - chọn thời điểm này để thiết lập trung tâm R&D và trung tâm dữ liệu AI cho thấy môi trường chính sách, nhân lực và hạ tầng ở VN đã đủ hấp dẫn và sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, sự kiện đã khẳng định vị thế VN trong chuỗi giá trị AI toàn cầu. 

Ông Thành nhấn mạnh: "Trước đây, VN chủ yếu được nhắc đến như một thị trường đang phát triển, có thế mạnh về nguồn nhân lực công nghệ trẻ. Việc NVIDIA đặt chân vào thị trường không chỉ thuần túy là một dự án đầu tư nước ngoài thông thường, mà còn khẳng định VN đang dần có được vị thế trong chuỗi giá trị AI toàn cầu. Sự hiện diện của NVIDIA sẽ thu hút thêm sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ khác và tạo hiệu ứng lan tỏa trong khu vực".

Vươn mình trong kỷ nguyên AI- Ảnh 1.

Việt Nam đang tiến những bước dài hướng tới đột phá về công nghệ

ẢNH: PHÁT TIẾN SỬ DỤNG AI

Thực tế, một trung tâm nghiên cứu hay trung tâm dữ liệu AI của NVIDIA không đơn thuần là một cơ sở kỹ thuật mà còn là nền tảng để hình thành hệ sinh thái AI có chiều sâu tại VN. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ lõi, cơ sở dữ liệu, mô hình huấn luyện tiên tiến và quy trình phát triển AI chuẩn quốc tế. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách tri thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng tốc độ đổi mới sáng tạo trong nước. "Khi hạ tầng AI trở nên sẵn sàng hơn, việc triển khai AI vào các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, y tế, giáo dục, giao thông… sẽ được đẩy nhanh. Trung tâm của NVIDIA sẽ vừa cung cấp năng lực tính toán, vừa hỗ trợ nghiên cứu, giúp DN và cơ quan nhà nước áp dụng AI hiệu quả hơn. Từ đó, năng suất và hiệu quả vận hành tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia", chuyên gia Đào Trung Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, cho rằng việc Chính phủ hợp tác với NVIDIA và chính tập đoàn này cũng mua lại một công ty AI của VN cho thấy VN nói chung lẫn DN Việt nói riêng đã có uy tín, năng lực để hợp tác trong lĩnh vực AI. Đồng thời, điều đó cho thấy bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá môi trường hoạt động ở VN đang thuận lợi, hạ tầng viễn thông, hạ tầng cơ sở… có điều kiện đáp ứng để phát triển công nghệ mới. Từ việc hợp tác này, bản thân DN trong nước cũng sẽ tự tin và có thêm nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác với những tập đoàn lớn trên thế giới, từ đó lớn nhanh hơn, tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn. Ở chiều ngược lại, VN cũng sẽ đóng góp trở lại vào hoạt động nghiên cứu sáng tạo, phát triển AI trên thế giới.

Thung lũng công nghệ mới của khu vực?

Trong thực tế, việc thu hút được một trung tâm R&D tầm cỡ sẽ khiến nhiều ngành liên quan lớn mạnh và vươn lên vị trí dẫn đầu. Chẳng hạn, Thái Lan từ một nước lạc hậu về nông nghiệp, từ khi hình thành được trung tâm nghiên cứu giống cây trồng đã trở thành một trong những cường quốc phát triển mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước đây, NVIDIA đã thành lập 2 trung tâm R&D đặt tại Thung lũng Silicon (Mỹ) và tại Đài Loan - quê hương của ông Jensen Huang. Vì vậy, cơ hội của VN sau cú bắt tay với "ông lớn" AI này đang rộng mở. 

Chuyên gia Đặng Lương Mô cho rằng Đài Loan và Mỹ là 2 tên tuổi dẫn đầu về chip, bán dẫn, sự hiện diện của NVIDIA là điều tất yếu và khiến họ cùng lớn mạnh. Điểm khác cơ bản nhất là NVIDIA đến Đài Loan khi vùng lãnh thổ này đã làm được con chip, đã biết chế tạo vi mạch và có sản phẩm thương mại. Tuy vậy, sự xuất hiện của NVIDIA cũng giúp ngành vi mạch Đài Loan lớn mạnh hơn rất nhiều. Ở VN, với sự hiện diện trung tâm nghiên cứu AI và trung tâm dữ liệu AI của hãng chip hàng đầu thế giới, có thể kỳ vọng cho đầu tư làm chip sau này. Trước đây, Nhật Bản đầu tư mạnh vào trung tâm R&D và sau đó mới có hơn 20 năm dẫn đầu thế giới về chip. Từ năm 1980 - 2022, Nhật sản xuất và cung cấp 50% chip cho thế giới. Trung Quốc cũng đổ ngàn tỉ USD vào nghiên cứu bán dẫn mới có những thành tựu công nghệ như ngày nay.

Vươn mình trong kỷ nguyên AI- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang tại lễ ký kết ngày 5.12

ẢNH: TTXVN

Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc kinh doanh và phát triển sản phẩm GreenNode, VNG Digital Business (GreenNode là đối tác đám mây của NVIDIA) nhấn mạnh đây là bước ngoặt khá lớn và là tin vui đối với ngành công nghệ VN, nhất là so với các thị trường trong khu vực và lân cận. Trung tâm R&D của các công ty công nghệ lớn được coi là cái nôi để phát triển nhân tài, sản phẩm, hệ sinh thái, và định hướng cho các làn sóng công nghệ tiếp theo. Minh chứng rõ ràng là sự trỗi dậy của hạ tầng công nghệ và AI ở Trung Quốc không thể thiếu sự đóng góp phần lớn của trung tâm R&D do Microsoft xây dựng cách đây hơn 30 năm. Hay Israel có hơn 400 trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. 

Nói cách khác, các trung tâm R&D xuất hiện càng nhiều ở nước nào, nhất là về công nghệ thì thực tế các quốc gia đó phát triển mạnh về công nghệ nói riêng và kinh tế nói chung. "Việc đặt trung tâm R&D của NVIDIA ở VN cho thấy VN đang được coi là một thung lũng công nghệ mới của khu vực. Nhân sự người Việt trong ngành nghiên cứu sâu về AI và dữ liệu đang được đánh giá ngang tầm với thế giới. Điều này sẽ thúc đẩy làn sóng công nghệ tự động hóa trong nhiều lĩnh vực như như y tế, công nghệ xe tự lái, quản lý năng lượng xanh ... và mở ra nhiều cơ hội mới trong giáo dục, khởi nghiệp cũng như giúp VN có vị thế tốt hơn trong bản đồ công nghệ thế giới", ông Vũ Thanh Tùng chia sẻ thêm.

Sau sự kiện NVIDIA hợp tác đặt 2 trung tâm AI tại VN, các hãng truyền thông thế giới đều có bài viết khẳng định tập đoàn này tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á và cơ hội của VN trong lĩnh vực bán dẫn, chip. Chẳng hạn, Bloomberg cho rằng chuyến đi của ông Jensen Huang đến VN diễn ra trong bối cảnh các nước Đông Nam Á cạnh tranh giành các khoản đầu tư công nghệ lớn với định hướng trở thành trung tâm dữ liệu và AI. Bloomberg cũng nhắc lại mục tiêu của VN là đạt doanh thu hằng năm hơn 100 tỉ USD từ ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2050. 

Còn AFP dẫn lời ông Jensen Huang nói NVIDIA đang giúp VN xây dựng "đám mây AI đầu tiên" cũng như thúc đẩy robot và các thành phố thông minh có sự hỗ trợ AI. Nhà thiết kế chip của Mỹ cho biết đã đầu tư hơn 250 triệu USD để hợp tác với một số công ty công nghệ hàng đầu VN triển khai AI trong các ngành công nghiệp đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Bài báo cũng nhấn mạnh những cú sốc về chuỗi cung ứng toàn cầu và nỗi lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về các nguồn lực chiến lược đang thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển của VN.

Kỷ nguyên kinh tế số, AI của VN đã mở ra...

Cũng bày tỏ vui mừng với sự kiện VN hợp tác với Tập đoàn NVIDIA, ông Đỗ Khoa Tân (Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN) cho rằng nhu cầu về chip nói chung trên thế giới hiện nay rất cao, trong đó có chip về AI. Thậm chí, nhiều DN, quốc gia "có tiền cũng không thể mua được" mà phải xếp hàng chờ đợi. NVIDIA đang đứng đầu về cung cấp chip AI trên thế giới và nhiều DN, nhiều thị trường đều cần họ. Trong lĩnh vực này, trung tâm R&D đi song song với trung tâm dữ liệu có thể được xem là 2 bộ phận đầu não để quyết định sự thành công của sản xuất chip AI. Mọi quốc gia/vùng lãnh thổ, mọi tập đoàn lớn đang chạy đua để đầu tư nghiên cứu và phát triển chip nói chung cũng như chip AI nói riêng nhưng không dễ thành công. Việc VN bắt tay với NVIDIA ở 2 khâu quan trọng nhất là cơ hội có một không hai để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực AI nói riêng và công nghệ nói chung. 

"Sau NVIDIA, VN sẽ có thêm cơ hội để thu hút dòng vốn FDI nói chung, dòng vốn công nghệ nói riêng. Đặc biệt nhờ các trung tâm R&D về AI hay dữ liệu AI đó mà hoạt động đào tạo nguồn nhân lực sẽ được phát triển mạnh. Nếu không có các trung tâm này thì các trường đại học, thậm chí viện nghiên cứu trong nước cũng chỉ dò dẫm, vừa đi vừa học thì sẽ rất lâu. Trong khi bản thân NVIDIA đã có thị trường rộng lớn cả thế giới và có công nghệ, sản xuất thì nhân sự tại VN sẽ được học hỏi, tiếp thu rất nhanh. Lợi thế lớn nhất của VN chính là nguồn nhân lực vốn có thế mạnh về toán học, trí tuệ nên càng phù hợp để đào tạo cho ngành AI. Từ đó giúp VN có đủ nền tảng, tự tin thúc đẩy kỷ nguyên số phát triển", ông Đỗ Khoa Tân nói.

Còn theo chuyên gia Đào Trung Thành, hợp tác với NVIDIA không chỉ là câu chuyện của trung tâm nghiên cứu hay dữ liệu mà sau đó là chip. VN sẽ có cơ hội tiếp cận các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, và kiến thức tối ưu hóa phần cứng, từ đó nâng cao năng lực thiết kế, gia công, tiến tới làm chủ một phần chuỗi giá trị bán dẫn khu vực. Trung tâm dữ liệu AI sẽ cung cấp nền tảng tính toán hiệu năng cao và môi trường huấn luyện mô hình tối ưu. Thay vì phải phụ thuộc vào hạ tầng nước ngoài, việc có trong tay năng lực nội địa hóa sẽ giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian phát triển, giúp DN và các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ tăng tốc quá trình thử nghiệm, triển khai giải pháp. Trước mắt, VN cần sớm hoàn thiện khung chính sách và pháp lý hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa công nghệ AI, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Song song với đó, VN cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu nội địa và các nền tảng công nghệ lõi. Đây là điều quan trọng bởi giúp giảm phụ thuộc vào hạ tầng nước ngoài, nâng cao hiệu suất nghiên cứu và phát triển, đồng thời mở ra cơ hội cho nhiều startup, DN tham gia sáng tạo giải pháp AI. Tiếp theo là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là chìa khóa để tạo động lực dài hạn cho phát triển AI nói riêng và công nghệ nói chung. Đồng thời VN cần tạo hành lang pháp lý tăng liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái công nghệ; hình thành mạng lưới hợp tác đa chiều giúp chia sẻ dữ liệu, chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình thí điểm, từ đó cải tiến và hoàn thiện các giải pháp AI tối ưu. Mặt khác, việc khuyến khích những ứng dụng AI có giá trị thực tiễn cao, giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội như quản lý đô thị thông minh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục cá nhân hóa, và an toàn giao thông sẽ giúp AI thâm nhập vào đời sống, tăng tính hữu dụng và sự ủng hộ từ cộng đồng.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, khuyến khích DN Việt đổi mới sáng tạo

Các hợp tác quốc tế như với NVIDIA là quá tốt và chúng ta cần tiếp tục phát huy. Trong đó cũng chú trọng đến hoàn thiện khung pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển về AI nói riêng và công nghệ nói chung. Bên cạnh việc thu hút dòng vốn FDI, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích DN trong nước. Bởi DN Việt vốn xuất phát từ quy mô nhỏ, công nghệ còn thấp thì dù có nỗ lực, đổi mới sáng tạo cũng khó bắt kịp với những tập đoàn công nghệ lớn của thế giới. Ít nhất phải để DN trong nước cũng được ưu đãi như DN nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, không bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC

Liên kết cùng phát triển

Một trong những thành phần căn bản quyết định tính hiệu quả của các mô hình AI là dữ liệu. Do đó, các DN cần quan tâm tới số hóa và quản lý dữ liệu tốt hơn, đặc biệt các chính sách dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, cộng đồng DN trong nước cũng như cộng đồng khởi nghiệp sinh thái đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực AI cùng hợp tác để hỗ trợ và xây dựng văn hóa sáng tạo, thử nghiệm các công nghệ mới. Đồng thời, việc liên kết đầu tư giáo dục đặc biệt ở mảng STEM (ở các trường ĐH, viện nghiên cứu) cũng cần được chú trọng để VN có thể đi nhanh hơn trong lĩnh vực này.

Ông Vũ Thanh Tùng, VNG Digital Business

Ngành chip, bán dẫn của VN sẽ tăng tốc

NVIDIA là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về AI và đặc biệt có chip mà rất nhiều quốc gia muốn sở hữu. Chip như vũ khí trong cuộc đua AI giữa các cường quốc. Bộ xử lý đồ họa GPU là trái tim của hệ thống AI. Hầu hết các mô hình ngôn ngữ hiện nay như GPT-4o hay Claude, Gemini đều phải được huấn luyện bằng chip NVIDIA. Trí tuệ nhân tạo Grok của Elon Musk cần dùng 100.000 chip như vậy. Thường mỗi con chip giá từ 30.000 - 50.000 USD. Như vậy, riêng tiền chip không cũng phải cỡ 3 - 5 tỉ USD rồi. Thế nên, với sự hiện diện của NVIDIA, kỳ vọng ngành chip, bán dẫn của VN tăng tốc.

Ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.