Chưa đến VQG Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp thì các nhà báo tham gia chuyến tham quan thực địa do Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM tổ chức tại các tỉnh ĐBSCL đã nghe tin vui từ nhóm triển khai dự án Ứng dụng AI/IoT (trí thông minh nhân tạo/Internet vạn vật) trong quản lý môi trường của VQG. Một số cá thể sếu đầu đỏ quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới vừa quay lại Tràm Chim sau 3 năm vắng bóng.
Tín hiệu từ sếu đầu đỏ
Sau đó, chia sẻ với Thanh Niên hôm 21.3, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển VQG Tràm Chim, cho hay một số nhân viên vừa ra khu đồng cỏ (tức khu A5) rộng 60 ha để kiểm tra thiết bị giám sát trước khi có quyết định đốt cỏ chủ động ở đây hay không.
Trong lúc kiểm tra thiết bị giám sát, các nhân viên phát hiện bóng dáng của 4 cá thể sếu đầu đỏ bay ngang vài giờ để quan sát, trước khi đậu lại tìm mồi trong khoảng nửa giờ, ông Hải cho biết. Việc "đội tiền trạm" của sếu đầu đỏ xuất hiện mang đến niềm vui mừng khôn xiết cho những nhà quản lý và nhân viên của VQG Tràm Chim.
Khu A5 lâu nay là khu kiếm ăn quen thuộc của loài sếu đầu đỏ. Việc đốt cỏ chủ động một phần nhằm tạo điều kiện cho cỏ năn kim, thức ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ, mọc lên, với hy vọng có thể tạo ra môi trường phù hợp cho sếu quay về.
Ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển VQG Tràm Chim, cho hay thông thường đàn sếu đầu đỏ có thói quen cử vài cá thể bay đi tiền trạm, khảo sát kỹ các địa điểm tiềm năng trước khi có quyết định về ở hẳn đến hết mùa di cư hay không.
Người dân địa phương đều tin sếu đầu đỏ là loài có linh tính. Những nơi đàn sếu xuất hiện đều mưa thuận gió hòa, mùa màng thu hoạch dồi dào. Còn ông Nhanh cho hay sự có mặt của sếu chứng tỏ môi trường ở đó trong lành.
Công cụ đo sức khỏe hệ sinh thái
Việc sếu đầu đỏ có tín hiệu quay về diễn ra sau khi VQG Tràm Chim triển khai Dự án Ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường và nhận được tài trợ từ chương trình Aus4Innovation của chính phủ Úc. Dự án tập hợp các chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ môi trường và bảo tồn sinh học từ Đại học Wollongong (Úc) và Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Các đối tác khác của dự án còn có Microsoft, VQG Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Giải pháp này sử dụng nhiều loại thiết bị IoT để có thể quan trắc thường xuyên và liên tục trên diện tích lớn. Công nghệ AI được sử dụng để phân tích và xử lý lượng lớn dữ liệu thu thập được, chuyển đổi thành các chỉ số về sức khỏe hệ sinh thái của VQG Tràm Chim.
Chủ nhiệm phía Việt Nam của dự án là PGS.TS Phạm Quốc Cường của Đại học Bách khoa cho biết giai đoạn 1 đã chấm dứt, với việc chuyển giao thành công 5 trạm quan trắc chất lượng không khí, 5 trạm quan trắc chất lượng nước và 5 trạm camera AI. Trong đó, camera được trang bị công nghệ nhận dạng để phân tích, phân loại và đánh giá các quần thể thực vật và động vật. Đặc biệt là các loại chim quý.
Đây là các thiết bị giao tiếp không dây tầm xa, nên khoảng cách giữa mỗi thiết bị có thể lên đến 10 km. Việc lắp đặt cũng phải đảm bảo các điều kiện như không phá cảnh sắc thiên nhiên, không làm phiền các loài sinh vật nằm đầu hoặc cuối nguồn nước.
Bên cạnh đó, cấu tạo của một trạm quan trắc bao gồm: pin mặt trời, camera, hệ thống cảm biến đo đạc các chỉ số và bộ xử lý trung tâm điều khiển cảm biến. Việc quan trắc các tham số này giúp các nhà quản lý ngay lập tức nắm bắt được các chỉ số quan trọng như độ khô, độ ẩm, chất lượng nước, cũng như dấu hiệu cảnh báo cháy đối với đồng cỏ. Các hệ thống này được thiết kế, bố trí và lắp đặt tại các khu vực khác nhau của VQG.
"Dự án đã cung cấp một số liệu khá phong phú theo thời gian thực cho ban quản lý VQG Tràm Chim, từ đó giúp ban quản lý đưa ra các quyết sách rất hiệu quả. Chẳng hạn, trong hơn 10 năm, VQG Tràm Chim chưa thực hiện việc đốt cỏ chủ động, hiện nay cùng với chính sách của tỉnh Đồng Tháp, của ban quản lý VQG, với sự hỗ trợ đến từ số liệu thu thập được, năm nay Tràm Chim đã thực hiện việc đốt cỏ chủ động. Và 4 cá thể sếu đầu đỏ đã quay về bay lượn ở đây trong thời gian ngắn", ông Cường cho biết.
"Trong thời gian tới, các thiết bị cần được nâng cấp theo hướng mở rộng sang đánh giá sức khỏe môi trường, hệ sinh thái bằng những hình ảnh thu được. Chẳng hạn màu cỏ như vậy, màu rừng tràm như vậy có nghĩa là gì, cần điều chỉnh gì, hoặc về lâu dài có thể giám sát hoạt động của con người, giám sát hành vi của các loài chim, từ đó đưa ra các chính sách, quyết sách phù hợp hơn", theo chủ nhiệm phía Việt Nam của dự án.
PGS.TS Cường đưa ra một số đề xuất trong giai đoạn 2 là cần thêm nguồn tài chính từ Chính phủ Việt Nam và các đối tác để mở rộng phạm vi dự án; nâng cấp những hệ thống giám sát hiện có nhằm cung cấp những thông số mới trong lúc phân tích nước, như dư lượng kháng sinh hoặc ô nhiễm đạm. Bên cạnh đó, các hệ thống giám sát không khí có thể kết hợp thêm các dạng dữ liệu từ ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh, không ảnh để có thể đưa ra nhiều quyết sách phù hợp và nhanh chóng hơn.
Sếu đầu đỏ và VQG Tràm Chim
VQG Tràm Chim là một trong năm VQG lớn nhất Việt Nam với giá trị đa dạng sinh học cũng như du lịch to lớn. Đây là nơi sinh sống của hơn 230 loài chim và 130 loài cá, trong đó có loài sếu đầu đỏ quý hiếm và đang bị đe dọa. VQG cũng là một trong những khu vực cuối cùng còn sót lại của hệ sinh thái ngập nước đang có nguy cơ bị đe dọa. Do thiếu các công nghệ kỹ thuật số, công tác quản lý và nghiên cứu môi trường tại VQG Tràm Chim trước đây gặp nhiều trở ngại do các dữ liệu khảo sát không thường xuyên và đầy đủ trong điều kiện thời tiết phức tạp. Vượt qua những khó khăn thách thức, dự án đã chuyển giao thành công các thiết bị IoT, các trạm quan trắc dữ liệu môi trường tự thiết kế để đo đạc các tham số như mực nước, ôxy hòa tan, độ đục của nước, nhiệt độ, độ ẩm môi trường.
Bình luận (0)