Vườn tượng tôn vinh đạo học

11/10/2015 05:00 GMT+7

Về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) xuôi hướng Khu du lịch - danh thắng Bửu Long, du khách sẽ gặp Trung tâm văn miếu Trấn Biên rộng đến 15 ha với khung cảnh hữu tình. Ở đây vừa khánh thành Vườn tượng danh nhân văn hóa.

Về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) xuôi hướng Khu du lịch - danh thắng Bửu Long, du khách sẽ gặp Trung tâm văn miếu Trấn Biên rộng đến 15 ha với khung cảnh hữu tình. Ở đây vừa khánh thành Vườn tượng danh nhân văn hóa.

Tượng vua Lý Thái Tổ  - Ảnh: Hà Đình NguyênTượng vua Lý Thái Tổ - Ảnh: Hà Đình Nguyên
Trung tâm văn miếu Trấn Biên vốn là văn miếu đầu tiên được xây dựng ở xứ Đàng Trong (năm 1715) theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu (có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long và Huế). Năm 1861, văn miếu này bị thực dân Pháp phá bỏ. 140 năm sau, chính quyền tỉnh Đồng Nai quyết định phục dựng lại văn miếu Trấn Biên (khởi công năm 1998, khánh thành năm 2002). Thời gian qua đi đã hơn 10 năm, Trung tâm văn miếu Trấn Biên ngoài chức năng là nơi thờ tự các danh nhân văn hóa của VN, một địa chỉ sinh hoạt văn hóa còn là một công viên xanh với khoảng không gian thoáng mát.
Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài của dân tộc, đồng thời giáo dục cho các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay hiểu biết thêm về các danh nhân văn hóa VN, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ trương thực hiện Vườn tượng danh nhân văn hóa với diện tích hơn 40.000 m2 nằm bên phía trái của trung tâm.
Tất cả các pho tượng đều quay mặt về văn miếu và trông ra hồ Văn. Tượng chính là vua Lý Thái Tổ (974 - 1028), vị vua có công dời đô về Thăng Long, từ đó khơi thông dòng chảy văn hóa VN. Tượng vua Lý lấy nguyên mẫu từ tượng đài ở thủ đô Hà Nội (ban tổ chức đã được tác giả Vi Thị Hoa và UBND TP.Hà Nội đồng ý chuyển nhượng bản quyền).
Một điều đáng nói là vườn tượng được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội và Sở GD-ĐT Đồng Nai là nguồn kinh phí chính, đến việc vận động các cơ quan, các nhà hảo tâm... (có khi nhiều đơn vị hợp cùng vài gia đình tặng 1 tượng danh nhân).
Phía bên phải tượng vua Lý Thái Tổ là tượng của 7 danh nhân văn hóa phương nam, gồm: Gia Định xử sĩ Võ Trường Toản - “thầy của những người thầy” đất Nam bộ, và các học trò của ông là Phó tổng trấn Gia Định thành Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), Hiệp tổng trấn Gia Định Ngô Nhân Tịnh (1761 - 1813), Thượng thư Bộ hộ (và Bộ binh) Lê Quang Định (1759 - 1813); Thị giảng học sĩ Đặng Đức Thuật (thế kỷ 18); Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872); Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888).
Bên trái tượng vua Lý Thái Tổ là tượng của các danh nhân phía bắc: Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 - 1370); Ngự sử đài chánh chưởng Nguyễn Trãi (1380 - 1442); Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726 - 1784); Đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820, tượng chưa hoàn tất). Điều đáng ghi nhận là tính thẩm mỹ, nghệ thuật ở các tác phẩm điêu khắc này đã đạt được tới mức “chuẩn” (về tính cân đối, khắc họa được cái thần, cốt cách của từng nhân vật). Một nhân vật đương đại cũng được “đặc cách” hiện diện trong vườn tượng này, dù chỉ được khắc họa trên phù điêu, đó là “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977), một người con của vùng đất Thủ - Biên, phù điêu thể hiện “Thi tướng” đang cưỡi ngựa, đầu quay về hướng bắc, bên dưới khắc 2 câu thơ nổi tiếng của ông: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm văn miếu Trấn Biên, cho biết: “Cơ sở để đặc tả diện mạo của từng nhân vật là được phỏng theo tượng chân dung bán thân của chính các danh nhân này đang được thờ tại Bái đường của Trung tâm văn miếu Trấn Biên, được Hội đồng nghệ thuật tượng đài và tranh hoành tráng tỉnh Đồng Nai họp xét duyệt, góp ý tỉ mỉ… Thực hiện là các nhà điêu khắc Hoàng Vũ Hoài (Hà Nội), Lý Hùng Kiệt (Bửu Long, Đồng Nai) và Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Chất liệu là đá xanh Bửu Long, được cho là loại đá có độ cứng nhất trong các loại đá hiện có trong nước.
Từ 14 tác phẩm ban đầu này, hy vọng trong tương lai sẽ được chiêm ngưỡng thêm tượng của các bậc nữ lưu trong lĩnh vực văn hóa (Ngọc Hân công chúa, Bà huyện Thanh Quan, “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hoặc các nữ sĩ miền Nam cận đại như Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922), Trần Ngọc Lầu (1863 - 1937), Trần Kim Phụng (1870 - 1928)… và cả những danh nhân văn hóa phương nam chưa được làm tượng như: Phan Thanh Giản (tiến sĩ đầu tiên của Nam bộ), cử nhân Phan Văn Trị, bác ngữ học Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.