Vướng mắc chuyển nhượng trường 100% vốn nước ngoài

22/09/2023 06:05 GMT+7

Thời gian qua, việc chuyển nhượng trường ĐH, CĐ giữa các chủ đầu tư trong nước diễn ra khá sôi động vì về mặt pháp lý đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, chủ đầu tư trong nước tiếp quản lại trường có vốn đầu tư 100% nước ngoài thì đang gặp vướng mắc trong thủ tục chuyển nhượng.

4 NĂM CHƯA THỂ GIẢI QUYẾT

Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty Cetana Corporation PTE Ltd (Singapore, gọi tắt Trường CĐ Quốc tế PSB) có giấy phép hoạt động 20 năm tại VN, kể từ năm 2003.

Vướng mắc chuyển nhượng trường 100% vốn nước ngoài - Ảnh 1.

Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis được chuyển nhượng sang chủ đầu tư VN nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, thủ tục

TRƯỜNG PSB

Đến năm 2017, việc quản lý nhà nước của các trường CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH nên trường phải đăng ký lại hoạt động GDNN theo quy định mới. Tuy nhiên, trường không hoàn thiện được hồ sơ đăng ký theo đúng quy định, cộng thêm tình hình khó khăn nên trường đã xin tạm ngưng hoạt động và có đơn xin giải thể.

Lúc này, ông Lê Lâm, đại diện chủ đầu tư của một hệ thống trường CĐ, trung cấp tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, nghe tin trường sẽ giải thể nên thực hiện việc tiếp quản lại trường từ chủ đầu tư Singapore bằng cách chuyển nhượng vốn từ Công ty Cetana Corporation PTE Ltd sang. Đến cuối năm 2019, Trường PSB có 100% vốn đầu tư từ VN. Tuy nhiên đến nay việc thực hiện hồ sơ đổi tên trường, công nhận hiệu trưởng và hồ sơ đăng ký hoạt động GDNN chưa thực hiện được.

Có thể áp dụng như với các nhà đầu tư trong nước ?

Theo luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty luật Lưu Trang, nếu sau khi chủ đầu tư mua lại cổ phần của Trường CĐ Quốc tế PSB từ doanh nghiệp Singapore và thực hiện thay đổi chủ sở hữu trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH-ĐT, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (theo luật Đầu tư 2014) thì doanh nghiệp không còn là doanh nghiệp nước ngoài. Việc thực hiện các thủ tục cũng như hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật áp dụng với nhà đầu tư trong nước. Hiện nay, các thủ tục liên quan điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH. Như vậy, trường chỉ cần làm hồ sơ thủ tục đổi tên trường, công nhận hiệu trưởng và đăng ký hoạt động GDNN như các trường CĐ tư thục trong nước khác, theo quy định trong luật GDNN, theo Nghị định 143 năm 2016, Nghị định 140 năm 2018 và Nghị định 24 năm 2022 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN.

Ông Lâm cho hay: "Sau khi tiếp nhận lại Trường CĐ Quốc tế PSB, chúng tôi đã làm hồ sơ đổi tên trường và công nhận hiệu trưởng, đồng thời làm hồ sơ đăng ký hoạt động GDNN theo quy định gửi Tổng cục GDNN từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, hồ sơ đổi tên từ Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis sang Trường CĐ Ngoại thương TP.HCM để không vi phạm thỏa thuận về bản quyền tên trường cũ đã ký kết với đối tác Singapore, đã được hoàn thiện theo đúng hướng dẫn của Tổng cục GDNN xong đến nay vẫn chưa nhận được công văn phản hồi của Tổng cục GDNN".

Bên cạnh đó, việc công nhận hiệu trưởng cũng chưa thực hiện được. Việc đăng ký hoạt động GDNN trường đã làm hồ sơ 3 lần, đến nay vẫn chưa thực hiện được do còn vướng mắc hồ sơ liên quan việc công nhận hiệu trưởng.

Ông Lâm chia sẻ: "Luật GDNN chưa quy định rõ về việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ để đăng ký hoạt động đối với việc chuyển nhượng từ trường CĐ quốc tế có 100% vốn đầu tư nước ngoài sang trường có chủ sở hữu là vốn trong nước đầu tư nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện được các hồ sơ, thủ tục để đăng ký hoạt động tiếp tục trở lại sau hơn 4 năm. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc giải quyết các quyền lợi, nhu cầu cần hỗ trợ của cựu sinh viên".

Được biết tháng 5.2023, đại diện chủ đầu tư Trường CĐ Quốc tế PSB tiếp tục gửi tờ trình tới Tổng cục GDNN với mong muốn được hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ trường được thực hiện theo các quy định như các trường CĐ trong nước theo luật GDNN.

Vướng mắc chuyển nhượng trường 100% vốn nước ngoài - Ảnh 3.

Cơ sở hiện tại của Trường CĐ Quốc tế PSB tại Q.Gò Vấp, TP.HCM

L.L


CHƯA CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ RÕ RÀNG

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Bùi Kim Giang, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN, cho biết từ khi Bộ LĐ-TB-XH tiếp quản hệ thống GDNN đến nay thì đây là trường hợp đầu tiên một trường CĐ có vốn đầu tư 100% nước ngoài chuyển lại cho chủ đầu tư VN.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, chưa có loại hình chuyển đổi cơ sở giáo dục nước ngoài sang cơ sở giáo dục trong nước. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của trường, Tổng cục cũng đã nghiên cứu rất kỹ, đồng thời Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Bộ Tư pháp và Bộ KH-ĐT để tham khảo ý kiến thì hai bộ phản hồi nhưng cũng chưa có gì cụ thể", ông Giang thông tin.

NHIỀU TRƯỜNG ĐH, CĐ chuyển đổi chủ đầu tư

Những năm trở lại đây, rất nhiều trường ĐH được chuyển nhượng chủ đầu tư thông qua việc chuyển nhượng cổ phần thuộc chủ doanh nghiệp sở hữu trường.

Năm 2014, Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục HUTECH đã mua lại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, trở thành doanh nghiệp sở hữu hai trường ĐH gồm: ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Năm 2015 và 2016, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đã mua lại và là cổ đông duy nhất hai trường gồm: ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến năm 2018, tập đoàn này mua phần lớn cổ phần của Trường ĐH Gia Định và Trường ĐH Hoa Sen. Đến nay thêm Trường ĐH Công nghệ Miền Đông trở thành thành viên của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.

Tập đoàn Hùng Hậu ngoài việc sở hữu Trường ĐH Văn Hiến, còn mua lại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân và một số trường trung cấp khác.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Đại Việt cũng tiếp quản các trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, CĐ Kinh doanh và Công nghệ Việt Tiến, CĐ Tâm Trí từ các chủ đầu tư khác.

Năm 2021, Tập đoàn giáo dục Văn Lang hoàn tất việc chuyển nhượng và ra mắt hội đồng trường và ban giám hiệu mới của Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương. Đây là trường ĐH thứ 2 của tập đoàn, cùng với Trường ĐH Văn Lang.

Tất cả thủ tục chuyển nhượng từ chủ đầu tư trong nước và việc đổi tên trường, công nhận hiệu trưởng, đăng ký hoạt động... đều thực hiện theo luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Giáo dục, luật GDNN và các nghị định hướng dẫn.

Ông Giang cho rằng việc doanh nghiệp VN mua lại doanh nghiệp nước ngoài và thực hiện thay đổi chủ sở hữu trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH-ĐT, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (theo luật Đầu tư 2014) thì có thể các hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ áp dụng như với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên hoạt động giáo dục là hoạt động đặc thù nên khó có thể thực hiện như vậy khi chưa có văn bản nào quy định.

"Thời gian qua, chúng tôi vẫn đang tìm hướng giải quyết cho Trường CĐ Quốc tế PSB chứ không phải không có sự quan tâm. Đến thời điểm này đây là trường hợp duy nhất, chưa từng có trong tiền lệ, nhưng trong tương lai có thể sẽ tiếp tục có nhiều trường hợp tương tự. Vì thế Tổng cục GDNN cũng mong muốn có sự phối hợp của Bộ Tư pháp và Bộ KH-ĐT để vấn đề thực tiễn này được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước sau này", ông Giang chia sẻ.

NÊN BỔ SUNG QUY ĐỊNH ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN

Trước đó, Trường CĐ Quốc tế Kent là một trường tiền thân có 100% vốn nước ngoài (Úc), cũng đã được chuyển nhượng cho chủ đầu tư VN. Tuy nhiên, trường hợp này không gặp phải vướng mắc, do khi thành lập trường CĐ đã thành lập công ty và có người VN góp vốn nên việc chuyển nhượng khá suôn sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và kinh tế quốc tế, có thời gian làm Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Kent, cho biết: "Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đến VN đầu tư vào giáo dục thì không gặp vướng mắc gì vì đã có quy định rõ ràng, nhưng nhà đầu tư Việt mà muốn đầu tư (mua lại) một trường hoàn toàn của nước ngoài đã hoặc đang hoạt động tại VN thì lại chưa có quy định. Nên chăng cơ quan nhà nước bổ sung thêm quy định này để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt có tiềm lực có thể thực hiện và giải quyết được vấn đề bắt đầu xuất hiện trong thực tiễn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.