Vượt 200km/ ngày để bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở độ tuổi 71

13/05/2021 15:26 GMT+7

Phải qua 6 chuyến xe buýt mỗi lần đi học với quảng đường khoảng 200 km, cô Phạm Kim Hoàng vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh ở độ tuổi 71.

Xuất thân là giáo viên dạy văn, khi về hưu, cô Phạm Kim Hoàng (SN 1951, ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vẫn muốn đi học để làm gương cho con cháu. Cô vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Văn Hiến với đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang” với kết quả 7.4 điểm. 

Những chuyến xe buýt quen thuộc

Để kịp học lúc 6 giờ chiều, mỗi khi đi học, cô Hoàng đón chuyến xe khách từ 2 giờ chiều, xuất phát từ H.Cai Lậy (Tiền Giang). Đến Bến xe miền Tây (TP.HCM), cô tiếp tục bắt chuyến xe buýt số 14 đến đoạn đường Lê Đại Hành (Quận 11, TP.HCM). Từ đó, tiếp tục đón chuyến xe 27 đến trường.

Quãng đường và chuyến xe buýt số 14, 27 đã trở thành thân thuộc với cô. Có những buổi học về trễ, xe buýt hết chuyến, cô phải đi xe ôm công nghệ ra Bến xe miền Tây rồi đón xe khách về nhà. Đôi lúc về đến nhà đã 11 giờ đêm. 

"Lý do cô chọn học thạc sĩ ở độ tuổi này đơn giản thôi. Vì lo cho gia đình. Trong nhà có đứa cháu không chăm học. Nên cô cũng muốn nói cháu đừng lo kiếm tiền sớm quá mà đầu tư cho kiến thức đi. Đó mới là cái lâu dài. Nhưng mình nói vậy thì áp đặt quá. Cháu có thể phản đối là mình chỉ nói mà không làm được. Nên cô đi học để nói với cháu mình là "con cứ đi học đi!", cô Hoàng kể lại nguyên nhân mình quyết định đi học thạc sĩ.

Mỗi lần đi học, cô Hoàng đi quãng đường gần 200km

Hoài Phong

Nhưng từng là một giáo viên dạy văn, cô Hoàng lại quyết định đi học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh. Cô cho biết mình muốn thay đổi không khí, cũng cần hiểu thêm về quản trị, doanh nghiệp... để con cháu có công ty, xí nghiệp cần thì mình tư vấn. 
Với một người lớn tuổi, quãng đường đến trường dài như vậy trong quãng thời gian không ngắn là rất nhiều khó khăn. Khó khăn về thời tiết, về giao thông, về di chuyển, sức khỏe lúc trái gió trở trời. Nhưng cô Hoàng cho rằng đã làm gì thì cần phải hoàn thành. Nếu không hoàn thành xuất sắc thì cũng cần hoàn thành ở mức độ nào đó. 

Học là niềm vui

Ở độ tuổi bạn bè lớn tuổi hay gặp nhau để vui vầy tuổi già, cô lại là người hay bị bạn bè “giận” vì phải đi học nên vắng trong những buổi họp mặt. Nhưng cô cho rằng mỗi người hưu trí có cách sử dụng thời gian rảnh khác nhau. Cô xem việc đi học là niềm vui, tạo nên hạnh phúc cho bản thân mình.

Cô Phạm Kim Hoàng (dưới cùng bên phải) trong ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ

Hoài Phong

"Bây giờ mình có thời gian thì đầu tư vào việc học. Có bạn trong lớp nói với cô là nhiều lúc mệt quá, muốn nghỉ học buổi học nào đó, nhưng nghĩ đến chuyện cô luôn cố gắng đi học không nghỉ buổi nào, các bạn lại cố gắng để đến lớp. Điều đó làm cô thấy rất vui", Cô Hoàng nói. 
Với đề tài “Sự hài lòng của du khách nội địa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp tỉnh Tiền Giang” trình bày trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ, cô Hoàng mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của quê hương. Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao bài luận văn của cô từ số liệu phân tích, cách thức trình bày đến cơ sở lý luận… và chấm 7.4 điểm. 
Tiến sĩ Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng danh dự nhà trường, cho biết ông là Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ của cô Phạm Kim Hoàng. Bài luận văn của cô gây ấn tượng. Nhưng ấn tượng hơn cả là hành trình đến đích của cô. Đây là hình ảnh mà ông rất ngưỡng mộ. 

Tiến sĩ Lê Sĩ Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cũng cho biết đối với trường hợp của cô Phạm Kim Hoàng, ngoài việc sẽ vinh danh vì tấm gương nỗ lực không ngừng trên con đường tri thức trong Lễ tốt nghiệp sắp tới, nhà trường sẵn sàng miễn phí 100% học phí nếu có nhu cầu học ngoại ngữ, tin học, các khóa kỹ năng mềm hoặc học dự thính các học phần trong các chương trình đào tạo khác để tích lũy kiến thức, kỹ năng theo tinh thần “học tập suốt đời”.

Cô Hoàng là một tấm gương tiêu biểu cho việc học tập suốt đời

Hoài Phong

Ngoài trường hợp cô Phạm Kim Hoàng bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở độ tuổi 71, vào năm 2019, Trường ĐH Văn Hiến cũng đã đón nhận 2 tân sinh viên trên 60 tuổi nhập học. Đó là trường hợp của cô Đào Thị Thư (sinh năm 1956, ngụ Q.8, TP.HCM), ghi danh học đại học chuyên ngành piano và chú Phan Thanh Khiết (sinh năm 1955, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhập học ngành tâm lý học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.