Xem các clip từ camera hành trình ở Việt Nam liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT) mà rùng mình, khiếp sợ, với “đủ kiểu” chết người.
Nguyên nhân gây tai nạn xuất phát từ nhiều tình huống, phần lớn là do tài xế ngủ gục, vừa lái xe vừa xem điện thoại, đùa giỡn với người trong xe, say xỉn, “phê” ma túy… Những hành vi bất cẩn như vậy của tài xế, chỉ tích tắc 1 - 2 giây là thảm họa ập đến ngay. Nhưng nhìn thấy mà “lạnh người” là hành vi vượt đèn đỏ.
Vượt đèn đỏ là phạm luật, điều này mọi người đã rõ. Thế nhưng điều đáng buồn là chuyện ấy lại nhan nhản ở nước ta. Càng về khuya, khi đường sá thưa vắng xe cộ, tình trạng vượt đèn đỏ càng trở nên phổ biến. Nơi nào có bóng dáng CSGT tuần tra thì còn đỡ, bằng không thì “đường ta ta cứ phóng” bất chấp đèn tín hiệu giao thông.
Nếu bạn đã từng có dịp đi công tác hoặc du lịch nước ngoài, chắc sẽ thấy ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông ở xứ họ nghiêm túc như thế nào. Ở các nước văn minh, hành vi vượt đèn đỏ (không tính xe công vụ) thường chỉ rơi vào những đối tượng sau: Một là, bọn tội phạm đang bị cảnh sát rượt đuổi (như thường thấy trong các phim hình sự của Hollywood); Hai là, những người muốn… tự sát; Ba là, cố tình tông xe để sát hại một ai đó. Còn lại chẳng ai dại gì “liều mạng” kiểu như vậy.
Nếu không thuộc những diện vừa nêu mà vẫn cố tình (hoặc lơ đễnh) vượt đèn đỏ, chắc chắn bạn sẽ “no đòn” với nhà chức trách. Ở xứ người ta, vượt đèn đỏ là “chuyện lớn”, “chuyện sinh tử” đối với những người tham gia giao thông.
Cách đây mấy hôm tôi có xem 1 clip phát trong chương trình thời sự của một đài truyền hình về 1 chiếc xe tải nặng vượt đèn đỏ, phóng ào ào qua giao lộ trong khi phía đèn xanh mọi người đang bắt đầu di chuyển.
Xem cảnh ấy mà muốn đứng tim. Rất may “chiếc xe điên” ấy đã không gây tai nạn vì số người bên đèn xanh di chuyển chậm.
Kinh nghiệm đi đường ở Việt Nam cho biết, mặc dù là đèn xanh nhưng trước khi di chuyển, bạn cần thận trọng nhìn bên phía đèn đỏ xem có kẻ nào đó đang cố thực hiện “hành vi điên rồ” lao tới hay không. Qua đèn xanh chưa chắc đã an toàn, đó là thực trạng đáng buồn đã và đang diễn ra. Ngay ở đô thị lớn và đông dân nhất nước như TP.HCM chuyện xe cộ vượt đèn đỏ cũng diễn ra “như cơm bữa” và không ít vụ va chạm đã xảy ra.
Có lần tôi và nhiều người đi xe máy khác bắt đầu di chuyển khi đèn xanh, bất ngờ phía đèn đỏ có 2 gã bặm trợn, “thần thái cô hồn” bóp kèn inh ỏi phóng chiếc xe máy băng qua, suýt chút nữa tông vào cô gái chạy phía trước. Gã ngồi sau quay lại quát vào mặt cô gái: “Mày đui hả?”. Bó tay, tội nghiệp cô gái khi không bị chửi oan.
Người xưa có câu “Có mắt cũng như mù” là để chỉ những kẻ như 2 gã cô hồn vừa nêu. Chẳng phải 2 gã ấy không phân biệt được đèn xanh với đèn đỏ, mà vì ý thức chấp hành luật pháp của họ đã bị nhuốm đen. Một khi hành vi vượt đèn đỏ được xem là “chuyện nhỏ” thì đồng nghĩa cái xã hội ấy đang diễn ra “chuyện lớn” về ý thức chấp hành luật pháp của một bộ phận công dân. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu ngay từ bây giờ, sẽ còn vô số sinh mạng của những người dân lương thiện bị đe dọa trên khắp các nẻo đường quê hương.
Ngoại trừ các trường hợp xe công vụ, còn lại nếu khép hành vi vượt đèn đỏ vào tội “cố ý giết người” xét thấy cũng hợp lý trong bối cảnh bất an như hiện nay.
Bình luận (0)