Vượt đèn đỏ rồi bỏ xe vi phạm, tài xế có 'thoát' xử lý?

07/02/2025 18:16 GMT+7

Dính lỗi vượt đèn đỏ hoặc nồng độ cồn với mức phạt tiền cao, nếu tài xế nảy sinh tâm lý bỏ xe vi phạm thì liệu có thoát trách nhiệm?

Cục CSGT (C08 - Bộ Công an) cho biết, sau 1 tháng áp dụng Nghị định 168/2024 (từ 1.1 đến 31.1.2025), lực lượng CSGT toàn quốc xử lý 327.349 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng 27.820 giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn; trừ điểm 28.762 giấy phép lái xe; tạm giữ 1.823 ô tô và 93.766 mô tô.

Theo đánh giá của C08, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến rõ rệt. Tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), số trường hợp vi phạm bị xử lý cũng giảm mạnh.

Bên cạnh kết quả tích cực mang lại từ Nghị định 168 thông qua việc nâng mức phạt tiền, một số ý kiến lo ngại tình trạng tài xế nảy sinh tâm lý bỏ xe vi phạm, nhất là các lỗi bị phạt tiền cao như vượt đèn đỏ, nồng độ cồn… Trường hợp này sẽ xử lý ra sao, người vi phạm có thoát trách nhiệm?

Vượt đèn đỏ rồi bỏ xe vi phạm, tài xế có 'thoát' xử lý?- Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông

ẢNH: C08

Đại diện C08 cho biết, mục đích của việc tạm giữ phương tiện là để xác minh, ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Thời gian qua xảy ra tình trạng người vi phạm không đến giải quyết, khiến nhiều bãi trông giữ xe vi phạm rơi vào quá tải.

Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký, đăng kiểm xe vi phạm.

Luật này còn quy định chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.

Ngoài ra, khi tài xế bị tạm giữ giấy phép lái xe, dữ liệu sẽ được cập nhật trên hệ thống quản lý của CSGT. Tài xế không đến giải quyết sẽ không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Với các trường hợp chủ phương tiện vi phạm không chịu đến giải quyết, đại diện C08 nói, khi đủ thời gian theo quy định pháp luật, cơ quan chức năng sẽ lập hội đồng sung công, bán thanh lý phương tiện, nộp tiền vào ngân sách.

Vượt đèn đỏ rồi bỏ xe vi phạm, tài xế có 'thoát' xử lý?- Ảnh 2.

C08 nhận định sau 1 tháng áp dụng Nghị định 168/2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có chuyển biến tích cực

ẢNH: C08

Quy trình xử lý xe vi phạm không có người đến nhận

Về quy trình xử lý đối với phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận không có lý do chính đáng, Bộ Công an dẫn quy định tại điều 126 luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Theo đó, trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đáng chú ý, luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định, khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.