Đó là câu trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trước câu hỏi của ông William Pesek, bình luận viên Hãng Bloomberg: “VN xác định đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực là ai?” tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu do Bộ KH-ĐT phối hợp Euromoney tổ chức hôm qua (30.9) tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Ngọc Thắng |
Không đổi mới, ai cũng là đối thủ
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải: “Đối thủ cạnh tranh có thể thay đổi, hôm nay là có thể Thái Lan, ngày mai có thể là Indonesia… và cả Lào, Campuchia, Myanmar vì mỗi thời kỳ, thời điểm có thể có một đối thủ cạnh tranh khác nhau tùy theo lĩnh vực”. Vấn đề là VN phải vượt lên chính mình. Nếu không đổi mới, để thủ tục rườm rà, luật pháp không rõ ràng… thì VN sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh. “Tôi bức xúc nhất với khả năng tự đổi mới của các bộ, của các doanh nghiệp (DN). Ví dụ như VN khởi sự ngành công nghiệp ô tô 20 năm trước rồi nhưng cuối cùng, ngành công nghiệp phụ trợ không có, không sản xuất được linh kiện nên các nhà đầu tư Nhật Bản họ không vào đây mà Thái Lan lại vượt lên, có một thị trường ô tô phát triển”, Bộ trưởng Vinh phát biểu và cho rằng để từng ngành có sự cạnh tranh thì DN phải tự vươn lên, nhà nước có chính sách hợp lý, nếu không VN sẽ luôn đi sau các đối thủ cạnh tranh.
|
Một số nhà đầu tư cho rằng quá trình cổ phần hóa DNNN quá chậm chạp và nhiều DN lớn cổ phần hóa “không thực chất", bán cổ phần ra quá thấp và không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia.
Thừa nhận thực tế đó, Bộ trưởng Vinh nói: “Vừa qua, đúng là nhiều DNNN chỉ bán được 5 - 10% cổ phần, vì thế không thay đổi được quản trị. Đây là điểm yếu thì phải để nhà đầu tư bên ngoài tham gia, có cổ phần chi phối mới thay đổi được. Do đó, đây là việc chúng tôi phải làm tiếp".
Nới hết room để hút vốn ngoại
Mặc dù còn một số bất cập nhưng theo ông Tony Shale, Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Euromoney, thời điểm hiện nay VN đang gây chú ý với giới đầu tư khi đạt mức tăng trưởng GDP (9 tháng) 6,5% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống và kinh tế khu vực ASEAN cũng rất mỏng manh. “Nhiều dấu hiệu khác như lạm phát thấp, tăng trưởng phục hồi, dòng vốn FDI tăng nhanh… đang khiến VN trở thành một điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một trung tâm sản xuất trong khu vực”, ông này nói.
Bên cạnh đó, việc VN ký được một loạt FTA quan trọng với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và sắp tới là FTA với EU, Hiệp định TPP sẽ giúp mở rộng quan hệ với 12 quốc gia lớn. Tất cả đang cho thấy VN có quyết tâm lớn cải cách kinh tế và điều này khiến VN nằm trong sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. “Tuy nhiên, về vĩ mô, VN vẫn còn phải làm nhiều việc như tăng cường hệ thống tài chính, vốn, nâng cao năng suất lao động, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tony Shale nhận xét.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Euromoney sau một thời gian vắng mặt đã trở lại VN, tổ chức diễn đàn. Thủ tướng đồng tình với nhận xét của ông Tony Shale. “Tốc độ tăng GDP của VN đã trung bình 6%/năm giai đoạn 2011 - 2015, theo hướng tăng dần qua từng năm. Năm nay, dự kiến tăng GDP của chúng tôi sẽ đạt trên 6,5%, mức cao nhất từ 2011 đến nay”, Thủ tướng nói và cho rằng VN vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, Chính phủ sẽ còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải cách hệ thống ngân hàng…
Thủ tướng cho biết một số chính sách cải cách sắp tới của Chính phủ, cần nhà đầu tư tham gia như thu hút đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài theo nghị định về hợp tác công tư (PPP) cho các công trình giao thông, hạ tầng đô thị, cấp nước, việc đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN…
“Quy mô thị trường tài chính VN còn khiêm tốn nên chúng tôi đang bổ sung các chính sách, đảm bảo theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi đã ban hành quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán, không hạn chế của trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, dự kiến cho phép nâng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần từ 49% lên 100% ở một số loại hình công ty cổ phần”, Thủ tướng nói.
VN vượt 12 bậc về chỉ số cạnh tranh toàn cầu
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu (The Global Competitiveness Report - GCR) 2015 - 2016 được trang Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy chỉ số cạnh tranh toàn cầu của VN đã vượt 12 bậc, đạt 4,3 điểm và xếp thứ 56/140 quốc gia. So với GCR 2014 - 2015, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của VN đạt 4,23 điểm và xếp thứ 68/144. VN được coi là quốc gia có thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng lần này khá ngoạn lục, vượt 12 bậc. Tuy nhiên, so với các quốc gia lân cận, có một số mặt hàng sản xuất đang cạnh tranh trực tiếp với hàng VN, chỉ số cạnh tranh của VN vẫn yếu hơn. Chẳng hạn, trong 140 quốc gia, Thái Lan đang có chỉ số cạnh tranh xếp vị trí 32 đạt 4,6 điểm, Malaysia xếp thứ 18 đạt 5,2 điểm, Indonesia xếp thứ 37 đạt 4,5 điểm, Philippines xếp thứ 47 đạt 4,4 điểm, Trung Quốc xếp thứ 28 đạt 4,9 điểm.
Ng.Nga
|
Đầu tư vào vui chơi có thưởng sẽ có tác động tích cực
Ngày 30.9, tại cuộc hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu về ngành vui chơi có thưởng tại VN, do Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội thực hiện, ông Nguyễn Đình Chúc, Phó viện trưởng viện này, cho biết nếu đầu tư nước ngoài vào casino ở VN tăng khoảng 3 tỉ USD so với hiện nay thì GDP sẽ tăng khoảng 0,58%. Đồng thời, hơn một nửa người dân được khảo sát cho rằng mở cửa casino sẽ có tác động tích cực giảm chảy máu ngoại tệ. Các kết quả khảo sát cho thấy, quan niệm của người dân về ngành vui chơi có thưởng nói chung và casino nói riêng đã có sự thay đổi thông thoáng hơn.
Cho đến nay, việc chơi sòng bài phổ thông tại VN vẫn bị coi là bất hợp pháp nhưng hiện đã có 8 công ty sòng bài được phép hoạt động. Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo nghị định về kinh doanh casino với dự kiến, cho người Việt từ 21 tuổi trở lên được vào chơi casino. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2014, doanh thu các điểm kinh doanh casino được phép đạt 1.379 tỉ đồng, nộp ngân sách 336 tỉ đồng.
Hà Nguyễn
|
Bình luận (0)