Những phân tích về Tân Hiệp Phát được đề cập trong cuốn sách là một minh chứng thuyết phục cho thấy các doanh nghiệp (DN) Việt có thể vươn lên và cạnh tranh thành công được với các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa với vô vàn thách thức. Tác giả, doanh nhân Trần Uyên Phương đã có những trao đổi với Thanh Niên về cuốn sách này.
Bà có thể cho biết khởi nguồn cuốn Competing with Giants có phải bắt đầu từ câu chuyện Tân Hiệp Phát từ chối lời mời 2,5 tỉ USD của Coca-Cola?
Đúng là Công ty Coca-Cola đưa ra đề nghị trị giá 2,5 tỉ USD để đổi lấy cổ phần kiểm soát trong Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát vào năm 2012. Ba tôi đã từ chối 2,5 tỉ USD và cơ hội ghi tên mình vào lịch sử M&A Việt Nam. Bởi nếu thỏa thuận được thống nhất thì đây sẽ là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất về giá trị của Việt Nam tại thời điểm đó. Thế nhưng câu chuyện này không phải là lý do tôi viết cuốn sách Competing with Giants.
Bà có thể nói rõ hơn về nội dung cuốn sách?
Trọng tâm của quyển sách này là những phân tích dưới góc độ kinh tế, về cách mà Tân Hiệp Phát đã vượt qua những khó khăn để kiến tạo nên một công ty sản xuất nước giải khát sở hữu một số thương hiệu được yêu thích ở Việt Nam. Cụ thể như phương thức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất; cách để kiềm chế được cám dỗ tiền bạc của các công ty đa quốc gia và trở nên mạnh mẽ hơn; cũng như làm thế nào để tận dụng được thành quả từ sự tăng trưởng kinh tế để thu hẹp khoảng cách với các DN trong khu vực, sánh vai với các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh.
|
Thông điệp “Châu Á đang trỗi dậy, và điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tính đến những chiến lược mới” liệu có quá lạc quan không, thưa bà?
Trong nhiều thế kỷ, thông qua quá trình toàn cầu hóa, các quốc gia châu Âu cùng với các công ty đa quốc gia của họ đã thống trị nền thương mại và định hình các quy tắc kinh doanh toàn cầu. Nhưng hiện nay, châu Á đang trỗi dậy với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng đã tác động làm thay đổi luật chơi và định hình một trật tự thế giới mới.
Nhờ kết hợp kiến thức bản địa cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, các DN châu Á đã tạo nên sức mạnh cạnh tranh đáng kể để phát triển và mở rộng ra quy mô toàn cầu một cách nhanh chóng song hành cùng các công ty đa quốc gia quyền lực, và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia phải thay đổi để phát triển. Đó là sự thật chứ không phải tôi quá lạc quan.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước đây và ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia. Theo bà, làm thế nào để một DN bản địa có thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia?
Đó là, không ngừng sáng tạo những sản phẩm nội địa đích thực, đây là điểm mạnh của công ty địa phương. Việc cố gắng tạo ra sản phẩm chung cho các quốc gia có sự khác biệt về văn hóa là khó khả thi, trong khi đó các sản phẩm nội địa đích thực rất khó bị đánh bại. Kế đến là tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, quản trị tăng trưởng, động viên nhân viên và nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng.
Xin cảm ơn bà!
|
Bình luận (0)