Cuộc thi viết Từ trong ký ức lần 2 nhận được bài viết của bạn đọc khắp mọi miền đất nước, chủ đề đa dạng, song tất cả đều là những hồi ức của tình yêu thương, lòng biết ơn, sự nỗ lực vươn lên trong đời sống cùng những bài học làm người.
Từ hơn 250 bài gửi về dự thi, Báo Người Lao Động đã chọn đăng 43 bài và tiếp đến tuyển 20 bài vào chung sơ khảo, được chọn in vào tập sách kỷ niệm cuộc thi (cùng với 20 bài của cuộc thi cùng tên lần 1).
TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại buổi lễ |
Các tác giả nhận giải ba và giải khuyến khích của cuộc thi |
NVCC |
Đó là những cô giáo trẻ dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp “trồng người” trên vùng cao Tây Bắc, là ngày xuân theo mẹ bán hàng ở chợ vùng Đông Bắc; là giữa mưa lạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, người mẹ chờ con trước cổng trường; là chiếc xe đạp cũ, ông ngoại ở Bắc Giang cặm cụi sửa lại cho cháu đi học.
Đó là chuyến về quê nhớ đời ở Nghệ An, chuyến tuần tra của kiểm lâm viên ở Quảng Bình; đi tìm mộ đồng đội, tìm người anh kết nghĩa ở Quảng Trị. Đó là cảnh vật, con người miền Tây Nam bộ, ở đầu nguồn An Giang khi mùa lũ về là mùa cá ra sông vui với sản vật trời cho thì ở cuối nguồn - nơi cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, học trò gian nan đi học mùa nước lũ hay đôi vợ chồng tảo tần ghe lúa rong ruổi mua bán khắp vùng để nuôi con ăn học thành tài…
Những ơn nghĩa đời sống, những câu chuyện thời chiến được kể lại với niềm tự hào và cả lòng biết ơn; những câu chuyện của một thời bao cấp cực mà vui, tình cảm bạn bè chân thành, trong sáng. Đặc biệt là những hồi ức về người mẹ, người cha, về những người thầy. Họ là những người bình thường mà lớn lao, là những tấm gương về sự hy sinh để soi rọi, để nhủ lòng sống làm người tử tế trong đời.
Câu chuyện đời tự kể của Viên Nguyệt Ái qua tác phẩm Đi qua bệnh tật nghiệt ngã nhận được giải nhất hết sức xúc động. Những dòng của Viên Nguyệt Ái viết đầy chân thành, bạn đọc dõi theo từng chữ và quý mến, khâm phục ý chí, bản lĩnh của cô gái trẻ này. Bị bệnh nan y từ nhỏ, chữa trị không lành, phải nằm một chỗ, cô gái trẻ Viên Nguyệt Ái đã nỗ lực vượt qua, cô “bước đi trong đôi chân vô hình, đôi tay run run như có lửa”. Cô đã xuất bản 8 đầu sách, viết nhiều bài báo và đạt được một số giải thưởng trong nhiều cuộc thi viết… Cô mạnh mẽ, dễ thương khi động viên mẹ đừng băn khoăn chuyện riêng tư của con gái. Cô biết chọn cách mỉm cười, vạch lối đi cho riêng mình một cách lạc quan…
Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân thay mặt ban giám khảo nhận xét về cuộc thi |
Nhà văn Hoài Hương (phải) nhận giải ba của cuộc thi chia sẻ về người bố thân yêu của mình, nhân vật chính trong bài viết của chị |
Tác giả Viên Nguyệt Ái từ Phú Thọ nhận giải qua hình thức trực tuyến |
QUỲNH TRÂN |
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân thay mặt ban giám khảo xúc động: “Khi cầm 20 bài viết lọt vào chung khảo để chấm và đến khi cầm bảng kết quả xếp hạng cuộc thi, trong lòng tôi vẫn cứ vang lên những câu thơ: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Chắc tinh cầu nào đã sánh nổi đâu”…
Rồi tôi đọc từng chữ trong bài dự thi, từng câu trong mỗi bài vào vòng chung khảo, mỗi đoạn kết của những bài đã đoạt giải hôm nay, tôi càng thấy thấm thía hơn câu thơ Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Đúng là như vậy đấy. Mỗi số phận hoàn cảnh đều chứa một phần lịch sử. Trong các bài đoạt giải hôm nay, có ba mảng chủ đề chính 'chứa một phần lịch sử' như thế. Đó là mảng giáo dục, học tập mà điều thấy rõ nhất đây là những ký ức vượt qua chính mình, khắc phục khó khăn, chiến thắng số phận nghiệt ngã. Đôi khi chỉ 0,01 điểm trong một bài thi mà tạo cho một thủ khoa biết cách vượt mọi thử thách trong cuộc sống".
Dịp này, Ban Biên tập Báo Người Lao Động cũng phát động cuộc thi Người Thầy kính yêu với nhiều giải thưởng có giá trị và sẽ trao giải vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Độc giả đọc báo chất lượng VIP sẽ có thu phí
Tại buổi lễ, Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động Dương Quang giới thiệu rõ hơn về Cổng thu phí đọc báo điện tử gồm 4 nhóm nội dung chính: Y tế; Việc làm; Doanh nghiệp: Cùng bàn chuyện làm ăn; Hồ sơ tư liệu... dành cho bạn đọc VIP có thu phí.
Ông nói: "Thu phí đọc báo điện tử ở nước ta đến thời điểm này vẫn còn khá mới mẻ, con đường phía trước còn nhiều chông gai. Có 3 rào cản lớn khiến việc triển khai thu phí đọc báo điện tử ở Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Một là, tình trạng vi phạm bản quyền đã và đang trở thành chuyện thường ngày trong khi biện pháp chế tài và các mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hai là, rất nhiều bạn đọc chưa có thói quen trả phí khi đọc báo, mà để thay đổi được thói quen này không phải chuyện dễ dàng. Ba là, hạ tầng thanh toán trực tuyến còn khá hạn chế, chưa thuận tiện cho việc triển khai thu phí đọc báo điện tử một cách bài bản, chuyên nghiệp".
Vì vậy, việc đưa vào vận hành Cổng thu phí đọc báo điện tử là chương trình quan trọng, ghi dấu quyết tâm cao Ban Biên tập, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Báo Người Lao Động. Dù biết rằng với tình hình thực tế hiện nay, việc này không hề dễ dàng. Song, chẳng phải vì khó mà đứng ngoài cuộc.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ hai từ phải qua) và các đại biểu kích hoạt Cổng thu phí đọc báo điện tử Báo Người Lao Động |
Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động Dương Quang giới thiệu về Cổng thu phí đọc báo điện tử |
Với Báo Người Lao Động, sau một thời gian dài chuẩn bị, Cổng thu phí đọc báo điện tử chính thức ra mắt tại Lễ kỷ niệm 47 năm ngày thành lập báo (28.7.1975 - 28.7.2022) là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển suốt 47 năm qua |
QUỲNH TRÂN |
"Tương tự việc đưa báo giấy đến tận nhà, các độc giả VIP đặt báo dài hạn và các sản phẩm báo chí điện tử có hình thức được trình bày hiện đại, nội dung phong phú, chất lượng..., Báo Người Lao Động được chuyển đến tận tay bạn đọc trả phí thông qua các kênh như: tin nhắn SMS, zalo, email..., thay vì phải tự vào trang để tìm đọc. Đặc biệt, mọi thắc mắc, phản ánh, yêu cầu của bạn đọc VIP sẽ được xử lý nhanh chóng và hiệu quả", ông Dương Quang cho biết.
Kết quả cuộc thi viết Từ trong ký ức lần 2 của Báo Người Lao Động
Giải nhất (30 triệu đồng):
Vượt lên số phận nghiệt ngã, tác giả Viên Nguyệt Ái
Giải nhì (20 triệu đồng):
0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa, tác giả Trang Nguyễn
Giải ba (15 triệu đồng/giải):
Ba tôi và “tài sản” để lại, tác giả Hoài Hương
Những năm tháng hào hùng, tác giả Lê Văn Mai
Giải khuyến khích (10 triệu đồng/giải):
Con đường đại học và mấy lần bật khóc, tác giả Nguyễn Thái Sơn
Đi học mùa nước nổi, tác giả Lê Quốc Khởi
Vị tướng nước ngoài nhớ ơn người cứu mạng, tác giả Võ Sáu
Bình luận (0)