|
An toàn là trên hết
Từ cuối tháng 7 âm lịch, nước đầu nguồn sông Cửu Long bắt đầu đổ về tràn đồng, huyện đầu nguồn An Phú là nơi đầu tiên đón lũ. Dù đã chủ động nhưng khi những tuyến đê ngập, nhiều đoạn bị chia cắt thì việc đi lại của người dân đã chuyển từ đường bộ sang đường thủy. Ông Nguyễn Văn Khên, Phó chủ tịch UBND H.An Phú, cho biết: “Nước nổi mỗi năm mỗi khác, nhưng cỡ nào thì An Phú vẫn có địa bàn ngập. Người lớn làm ăn, đi lại mùa này còn lo chuyện té sông, đuối nước, huống hồ các em tuổi đến trường. Do vậy, cái lo thường trực mùa tựu trường hằng năm vẫn là những chuyến đò an toàn cho tụi nhỏ. Đuối nước là chuyện không ai muốn nhưng phải tránh để không xảy ra”.
|
Những ngày này, khu vực kênh Bảy Trúc (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, H.An Phú) trở thành nơi ngập sâu nhất tại An Giang. Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Nguyễn Thanh Bình tâm sự: “Nước nổi năm nay phức tạp quá, cuối tháng 7 âm lịch thì lên đột ngột, giờ lại rút 6 - 7 tấc, nhưng vẫn tràn đồng và chia cắt nhiều nơi. Hơn 45 hộ với khoảng 300 nhân khẩu tại khu Bảy Trúc đi lại hết sức khó khăn. Trong đó, có đến 76 em học sinh các cấp buộc phải đưa rước đến trường. Kinh phí chưa có thì xã vận động anh em ứng trước rồi từ từ xin huyện, hoặc nhiều nguồn khác để giải quyết, cố gắng làm sao để các em đi học hằng ngày an toàn”.
Chuyến đò sắt của ông Nguyễn Văn Tâm rẽ sóng đi dọc tuyến kênh Bảy Trúc dài hơn 3 km, thỉnh thoảng lại tấp vô bờ rước một nhóm học sinh. Trên đò, ngoài ông Tâm còn có thêm một người dân và một cán bộ ấp túc trực phát phao cứu sinh và hỗ trợ các em lên xuống đò. Em Nguyễn Thị Anh Thư (học sinh lớp 7A4, Trường THCS Phú Hữu) nói: “Ba chị em em đi học đều nhờ đò của ông Tâm đưa rước, hỏng tốn tiền lại an toàn. Có khi ba mẹ đi chợ cũng ké theo luôn”. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: “Tất cả các chuyến đò đều miễn phí, các em học sinh lẫn phụ huynh có nhu cầu đều được đưa rước”.
Còn tại xã biên giới Vĩnh Hội Đông đang có 4 điểm đưa rước trẻ đến trường gồm: ngọn Cả Hàng, Trạm Biên phòng, mương Năm Thời và điểm giáp ranh xã Vĩnh Ngươn (TP.Châu Đốc). Ông Huỳnh Công Phương, Phó chủ tịch UBND xã, cho hay năm nào địa phương cũng tổ chức các đoàn đưa rước học sinh đến trường an toàn. Nhờ tổ chức tốt nên nhiều năm qua, Vĩnh Hội Đông dẫu ngập sâu nhưng trẻ em đến trường hằng ngày đều an toàn tuyệt đối.
Về đất mẹ tìm chữ
H.An Phú có đường biên giới dài tiếp giáp nước bạn Campuchia nên hằng năm có hàng ngàn học sinh là con em Việt kiều về nước học tập, sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Khên cho biết: “Hơn chục năm qua, địa phương luôn tạo điều kiện cho các em học sinh Việt kiều được đến trường một cánh tốt nhất. Trong đó, chuyện đưa đón các em mùa lũ cũng là chuyện phải làm”.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục H.An Phú, số học sinh Việt kiều từ Campuchia về nước học năm học 2014-2015 gồm 46 em bậc mầm non, 886 em tiểu học và 283 em THCS, 100% các em đều phải đi đò đến trường. Em Trần Bích Ngọc (Việt kiều, đang học lớp 2A Trường tiểu học A Khánh An) cho biết nhà em ở xã Prech-Chray (Kandal). Bên đó không có trường nên sáng 6 giờ em đón đò, sau 30 phút thì đến trường. Khoảng 4 giờ 30 chiều về, mỗi tháng tốn tiền đò 15.000 đồng. Đi đò của trường và xã rẻ hơn đò đi ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Khên, nhờ sự thống nhất chỉ đạo từ huyện đến địa phương, ngành giáo dục và nhà trường, nên tất cả các điểm trường có con em Việt kiều về quê học đều được hỗ trợ tốt, kể cả chuyện vận động đến lớp. Hằng năm, địa phương đều xin ý kiến chỉ đạo từ Sở GD-ĐT nên công tác hỗ trợ các em như hồ sơ học bạ, đảm bảo sỉ số… đều được hoàn thành đúng kế hoạch. Tuy nhiên, cái khó là các em đều thuộc diện nghèo nhưng do không trong đối tượng được hưởng chính sách nên các khoản miễn giảm không thực hiện được. Chính yếu tố đó mà số học sinh bỏ học giữa chừng ở An Phú hằng năm đều cao và rơi vào các trường hợp con em Việt kiều.
Nguyễn Huỳnh
Bình luận (0)