Vượt qua 'bão' hủi

18/01/2015 09:00 GMT+7

Làng phong thuộc xã Cẩm Bình (H.Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) vốn được mệnh danh là 'vùng đất dữ', bởi làng toàn người bị bệnh phong cùi, dân gian quen gọi là bệnh hủi.

Làng phong thuộc xã Cẩm Bình (H.Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) vốn được mệnh danh là “vùng đất dữ”, bởi làng toàn người bị bệnh phong cùi, dân gian quen gọi là bệnh hủi.

Làng phong giờ đây đã thay đổi rất nhiềuLàng phong giờ đây đã thay đổi rất nhiều
Được chính quyền giúp đỡ, những bệnh nhân quả cảm đã vượt qua cơn “bão” để hòa nhập cộng đồng...

Xẻ thịt cá mè “câu” hủi

Mặc dù cái thời đau đớn, khổ sở nhất của những con dân trại phong cùi (đóng ở xã Cẩm Bình, H.Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đã qua từ lâu, nhưng mỗi khi hỏi chuyện hiện tại, tương lai, nhiều người lại không quên kể về quá khứ khủng khiếp mang tên hủi. Có người nói: “Chúng tôi nhắc lại nỗi đau quá khứ là để con cháu, người đời hiểu hơn về bệnh hủi và để quý trọng hơn sự yên bình, ấm áp mà mình đang có”.

Cụ Trần Văn Huấn, 90 tuổi, bệnh nhân ở trại phong Cẩm Bình kể lại: “Ở trại phong này có hai cái không thể quên được. Một là khe hủi. Hai là nỗi đau bệnh hủi”.
 Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cụ Trần Văn Huấn thấy vui vì không còn bị bệnh hủi tra tấn như trước Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cụ Trần Văn Huấn thấy vui vì không còn bị bệnh hủi tra tấn như trước
Theo đó, gần trại phong có một khe nước bắt nguồn từ dãy núi Lang Trắng, cạnh trại phong. Hồi đó, khe nước là nơi tắm, giặt của tất cả các bệnh nhân bị bệnh phong cùi. Kể từ khi người bệnh đầu tiên nhúng mình vào dòng nước, tất cả người dân phía hạ nguồn không ai dám bén mảng đến khe nước này nữa. Thậm chí, có người không dám cho trâu, bò uống nước, không dám đánh cá, tắm giặt hay dẫn nước vào ruộng lúa từ khe vì sợ bệnh hủi dính vào người.

Nỗi sợ thứ hai theo cụ Huấn đó chính là sự ám ảnh về bệnh hủi. Cách đây hơn chục năm, mỗi khi người ngoài tiếp xúc với bệnh nhân hủi thì bịt mũi, nôn, ói vì thứ mùi ngai ngái, tanh, hôi phát ra từ vết thương người bệnh. Hồi đó, để chống lại sự đau đớn, người bệnh phải xẻ thịt cá mè đắp vào vết thương. Có người còn giã thịt cá mè trộn với vài loại thảo dược đắp vào vết thương. Người bệnh tin rằng, con hủi thích chất tanh nên chúng sẽ ăn thịt cá mè thay vì thịt người. Vậy nhưng, việc đó càng làm vết thương nhiễm trùng, hoại tử dẫn đến rơi cả khớp chân, tay.

Ám ảnh nhất là người bệnh thường bị hủi hành hạ lúc nửa đêm về sáng. Lúc đó, đắp thịt cá mè cũng không làm vơi đi sự đau đớn. Người bệnh phải nấu nước sôi rồi nhúng cả mười đầu ngón tay, ngón chân vào đó cho “đỡ ngứa”. Dứt cơn ngứa lại đến đau xương nhức óc... Đặc biệt hơn, vào những ngày đông, gió rét buốt đến tận xương, tủy, khiến nỗi đau đớn của người bệnh phong càng nhân lên gấp bội. Nhiều đêm, nước dịch từ vết thương chảy thấm qua đôi tà áo. Nhưng bệnh nhân phong cùi vẫn kiên cường bám trụ, tin tưởng một ngày nào đó mình sẽ được chữa khỏi căn bệnh quái ác này.

Cụ Huấn đùa vui: “Vì phải nhiều đêm thức trắng vật lộn với bệnh phong cùi nên nhìn bộ dạng nhiều người teo tóp, gầy gò không bằng con khỉ ở rừng. Hồi đó, cân nặng của tôi vỏn vẹn 37 kg, còn người nặng nhất cũng chỉ được 44 kg”.

Cùng nhau vượt qua đau đớn

Câu chuyện của chúng tôi cùng dân làng phong Cẩm Bình như kéo dài vô tận khi nhiều người say sưa kể về thời khắc được cứu thoát khỏi căn bệnh phong cùi.

Cụ Hoàng Thị Nhung, một trong những bệnh nhân đầu tiên tại trại phong Cẩm Bình, năm nay đã ở tuổi trên 90, cho biết: “Thời khắc đau đớn nhất, những người bị phong cùi chúng tôi đã ghì siết lấy nhau, ôm nhau thật chặt để cùng vượt qua sức tra tấn của bệnh tật. Đến nay, thoát khỏi bệnh hủi là tôi thấy sung sướng lắm rồi! Cuộc đời của tôi đã sang trang mới mà ở đó toàn những điều tươi đẹp. Tôi đã kết hôn với ông Hoàng Văn Bòng, một người cùng cảnh ngộ ở trại phong, sinh được 3 đứa con, đứa nào cũng lành lặn, khỏe mạnh. Hạnh phúc như nhân lên gấp bội khi các con của tôi đã lập gia đình và sinh con đẻ cái”.
Đôi vợ chồng đầu tiên trong làng phong Cẩm Bình lấy nhau là cụ Hoàng Văn Bòng và Trần Thị Nhung - Ảnh: Dương TrangĐôi vợ chồng đầu tiên trong làng phong Cẩm Bình lấy nhau là cụ Hoàng Văn Bòng và
Trần Thị Nhung - Ảnh: Dương Trang
Cụ Hoàng Văn Bòng mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng trí nhớ vẫn rất tốt. Cụ kể về cái thời khắc đau đớn nhất nhưng cũng hạnh phúc nhất là hai cụ dìu nhau qua cơn nguy khó. Trong khi cụ Nhung bỏ nhà lên núi lánh sự ghẻ lạnh của người đời thì cụ Bòng cũng vậy. Hai người gặp nhau ở dãy núi Lang Trắng trong cơn đau vật vã, nước mắt giàn giụa. Hoàn cảnh khó khăn đó đã đẩy hai con người khốn khổ xích lại gần nhau. Lúc cụ Bòng lên cơn đau, cụ Nhung ra rừng hái thuốc, ra chợ mua cá mè về đắp cho chồng và ngược lại. Khi cả hai cùng lên cơn đau nhức thì họ ôm ghì lấy nhau, cùng đưa đôi bàn tay vào nồi nước sôi trong khi đôi hàng mi ngập tràn nước mắt.

Còn đó những khó khăn

Hiện làng phong Cẩm Bình có 50 giường bệnh với 35 bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân một phòng riêng. Việc ăn uống, sinh hoạt do mỗi người tự túc. Hiện, mỗi bệnh nhân được hưởng khoản trợ cấp trên dưới 300.000 đồng/tháng. Trong số 35 bệnh nhân, có 2 người già không thể làm thêm được gì. Những người còn lại có thể tăng gia sản xuất như nuôi gà, trồng rau để bổ sung vào khẩu phần ăn mỗi ngày.

Do bệnh nhân không làm được ruộng nên số tiền trên dưới 300.000 đồng mà nhà nước trợ cấp phải để dành đong gạo và mua một số đồ dùng cá nhân. Còn với cụ Huấn: “Với 300.000 đồng/tháng, tôi dành ra 150.000 đồng để mua 15 kg gạo loại rẻ nhất. Số tiền còn lại để mua thêm cá khô, mì tôm hoặc vài quả trứng. Cuộc sống cứ tà tà như vậy mặc dù phải dè sẻn nhưng vẫn thấy vui”.

Để người dân làng phong Cẩm Bình hòa nhập cộng đồng, không thể không nhắc đến công lao của những y, bác sĩ đã đồng hành cùng bệnh nhân phong cùi, giúp họ vượt qua những cơn đau đớn. Đó là trường hợp của Nguyễn Anh Việt, Phó khoa Điều trị phong, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa. Nhiều năm trước, anh làm đơn tình nguyện đến với trại phong Cẩm Bình. Lúc đó, gia đình, bạn bè thân thiết đều can ngăn anh không nên đi vào “miền đất dữ”. Nhưng với lương tâm của người thầy thuốc, mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân vật vã với cơn đau đớn khiến anh day dứt. Anh Việt quyết định lên miền núi rừng Cẩm Bình cùng ăn, ở với bệnh nhân. Từ khi anh có mặt ở đây, nỗi ám ảnh bệnh hủi tan dần. Anh luôn để ý, cập nhật những loại thuốc mới trong điều trị bệnh phong cùi. Giúp bệnh nhân cắt cơn ngứa và sớm hòa nhập với cộng đồng.

Kể từ khi gắn bó với trại phong Cẩm Bình, anh Việt coi đó như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh lấy vợ và sinh sống ngay gần trại phong để tiện cho việc đi lại, chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân.   
Bệnh phong còn có tên gọi khác là phong, phung, cùi, hủi, bệnh Hansen. Đây là một bệnh nhiễm trùng mãn tính gây ra bởi vi trùng phong, không phải là bệnh di truyền. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị suy kiệt cơ thể dần dần và để lại những di chứng, tàn tật suốt đời như: hở mi dẫn đến mù, co rút, mất ngón tay, ngón chân… Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và quan niệm sai lầm về bệnh phong.

Theo quan niệm cũ, bệnh phong bị cho là nan y, không chữa khỏi được. Người mắc bệnh phong bị hắt hủi, đối xử tàn bạo. Nhưng bắt đầu từ năm 1982, VN và thế giới đã áp dụng phác đồ điều trị bằng đa hóa trị liệu. Hiện bệnh phong đã được khống chế và chữa khỏi hoàn toàn. Người mắc bệnh được điều trị miễn phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.