Trong đó, nông - lâm nghiệp - thủy sản luôn là bệ đỡ quan trọng khi đóng góp từ 12 - 13% GDP và giúp VN có thể tự cung 85% nhu cầu trong nước. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào VN năm ngoái đạt 36,61 tỉ USD (tăng 32%); giải ngân khoảng 23,18 tỉ USD - mức cao kỷ lục.
VN cũng đã kiểm soát tốt tỷ giá, lạm phát bình quân cả năm tăng 3,25% là mức khá thấp so với mức lạm phát toàn cầu 5,5%. Giải ngân cũng là điểm sáng khi hết tháng 11 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Chính phủ giao, cao hơn khoảng 123.000 tỉ đồng so cùng kỳ năm 2022.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 683 tỉ USD, giảm 6,6% so với năm trước. Điểm sáng xuất khẩu đang phục hồi, cán cân thương mại là xuất siêu kỷ lục hơn 28 tỉ USD (cao hơn nhiều so với con số 12,1 tỉ USD của năm ngoái)... Nhưng cần lưu ý, mức giảm xuất khẩu tới 4,4% là chưa xảy ra từ năm 2011 đến nay. Xuất siêu cao chủ yếu là do nhập khẩu giảm, cho thấy nền kinh tế, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhìn chung các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; rủi ro về tài khóa ở mức trung bình. Lạm phát ở mức khá thấp, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá cơ bản ổn định. Fitch Ratings nâng hạng hệ số tín nhiệm VN lên BB+ và đánh giá triển vọng là "ổn định".
Điểm tích cực nữa là việc hoàn thiện thể chế pháp luật được thúc đẩy khi chưa bao giờ cùng một thời điểm Quốc hội thông qua hàng loạt dự án luật quan trọng như luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Giá... Song song đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý nhằm gỡ vướng, giúp các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… dần hồi phục.
Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng của VN tiến triển tích cực. Tăng trưởng kinh tế số của VN giai đoạn 2023 - 2025 dự báo khoảng 20%/năm, cao nhất khu vực ASEAN (theo Google & Temasek 2023)...
Năm 2024, kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ (chủ yếu là do Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại) nhưng VN dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng 6 - 6,5%. Thách thức vẫn là rất lớn, nhưng cơ hội đang mở ra từ chính thách thức.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội, bởi VN dường như đang hưởng làn sóng FDI lần thứ tư. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh với hàng loạt chuyến thăm cấp cao, cũng như nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, làm sâu sắc hơn và toàn diện hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc...
Tuy nhiên, cơ hội sẽ trôi đi nếu chúng ta không có sự chuẩn bị đầy đủ. Theo đó, VN cần đẩy nhanh hơn, nhất quán hơn thực thi 3 đột phá chiến lược. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế; nhất là những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém. Các doanh nghiệp cũng cần quyết liệt tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đối tác, nguồn vốn; chủ động đón đầu xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và tận dụng tốt hơn các cơ hội đến từ hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)