Từ những ngày đầu khi thời sự và các trang báo bắt đầu rầm rộ đưa tin về một loại vi rút đang phát tán tại Vũ Hán - Trung Quốc, tính tới nay đã gần 2 năm sự kiện cả thế giới phải “vật lộn” với trận “đại hồng thủy” mang tên Covid-19, hay Coronavirus. Hằng ngày, hằng giờ, ở hàng trăm quốc gia khác nhau, đại dịch Covid-19 đã chi phối và tạo ra vô số đổi thay với nhân loại trên toàn địa cầu.
Đó là những gì tác giả Đinh Hồng Hải đã quan sát, ghi chép trong đại dịch với những suy nghĩ và cảm nhận của chính cây bút sắc bén, trở thành một tác phẩm bút ký hết sức có giá trị mang tên: “Thiên đường và địa ngục”.
Trong cơn “cuồng phong” lần thứ 4 của Covid-19 quét qua Việt Nam với con số ca nhiễm đã lên tới hàng chục ngàn người, liệu rằng Việt Nam có vượt qua một lần nữa hay không? Bài học cho Việt Nam, cho nước Mỹ và cho nhân loại ở chương 3 trong tác phẩm này chính là câu trả lời. Và kết cục cuối cùng sẽ thấy ở câu chuyện cổ tích “Cha Trời, mẹ Đất, con Người” cuối sách.
Nói về đại dịch nhưng khi mở ra những trang sách đầu tiên, độc giả không hề bị choáng ngợp bởi những tư liệu về Covid-19, hay một văn bản khô khan về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch như báo chí truyền thông vẫn liên tục đưa tin, mà thay vào đó, tác giả kể câu chuyện của chính mình từ lúc ấu thơ cho tới khi tác giả đã đạt được mơ ước học tập tại môi trường giáo dục của Mỹ. Cách dẫn dắt khéo léo giúp cho độc giả hiểu biết hơn về cái “thiên đường tuổi thơ” bình dị nhưng tuyệt đẹp không hề có ô nhiễm môi trường để đối sánh với “địa ngục Coronavirus” mà tác giả khai triển trong nội dung.
Hai trạng thái đối lập này chính là cảm nhận của tác giả về thế giới của chúng ta, một thế giới có hai mặt, luôn song hành tồn tại cả thiên đường và địa ngục, hai trạng thái này có liên hệ trực tiếp tới tên tiêu đề của tác phẩm.
Tiếp nối việc tác giả đưa ra quan điểm của mình về “thiên đường” và “địa ngục” qua góc nhìn đối sánh chủ yếu giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ, nơi tác giả đã chứng kiến tận mắt và một nơi tác giả đã từng sống và học tập, ông rút ra một nhận định: “… Tôi chợt nhận ra thiên đường và địa ngục không hề cách xa nhau, nó có thể cùng một chỗ”.
Ở chương 1, Giấc mơ Mỹ, bằng những trải nghiệm của mình, tác giả đã lý giải chi tiết về nguyên lý và mấu chốt đã biến Harvard trở thành một “cỗ máy chất xám”, một “lò đào tạo nguyên thủ”, là “cái nôi ra đời” của những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Một hệ thống quản trị hiệu quả, chế độ an sinh phúc lợi, tố chất con người, mọi phân tầng xã hội đều phải căn cứ theo hiến pháp và pháp luật… đều là những yếu tố tạo nên thành quả và danh tiếng của Harvard và rộng hơn là của cả nước Mỹ.
Với những mô tả kỹ lưỡng và nghiên cứu chuyên sâu nhằm giúp cho độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về Harvard, tác giả đã đưa ra những nhận định có giá trị và dễ dàng tiếp nhận, thể hiện qua lối viết giản dị mà lôi cuốn, khiến độc giả càng đọc càng thêm tò mò về những gì đang diễn ra bên trong Harvard và hình dung ra được vai trò của Harvard với nước Mỹ, cũng như vị thế của nước Mỹ với toàn thế giới.
Chương 2, Đại dịch Coronavirus, là những ghi chép của tác giả trong những ngày Hà Nội thực hiện lệnh cách ly. Mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ, trên các trang báo mạng và tin tức thời sự đều liên tiếp xuất hiện những thông tin dày đặc về tình hình dịch bệnh, nó tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, lấn át mọi mối quan tâm khác của xã hội.
Ở Việt Nam, chỉ trong một quãng thời gian ngắn từ lúc bùng dịch ngày 6.3.2020 cho tới khi đất nước ta có thể khống chế được dịch bệnh ngày 26.4.2020, đã có biết bao sự kiện diễn ra, tới mức tin tức chỉ vừa mới xuất hiện một tiếng trước đã bị tin tức mới nhất nhấn chìm.
Nhằm mục đích xâu chuỗi các sự kiện để mọi người có thể theo dõi và sử dụng như một tài liệu tra cứu, tác giả đã bắt tay vào việc ghi chép, nhưng để tránh cho việc tác phẩm trở thành một tập tư liệu phi hư cấu khô khan toàn các thống kê và con số, tác giả đã lồng ghép tư liệu cùng với cảm nhận riêng của mình, biến nó thành một cuốn nhật ký, hồi ký chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc.
Dù không ai có thể đoán trước được khi nào đại dịch này sẽ kết thúc lúc nào và liệu Việt Nam có vượt qua được đợt dịch kế tiếp hay không nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, Việt Nam đã tạo nên một giai đoạn lịch sử của quá trình dập dịch với một kết quả xuất sắc. Cột mốc này không chỉ là bài học cho Việt Nam mà còn là bài học cho cả nhân loại.
Chính vì thế, học tập Anne Frank và những dòng nhật ký đã thức tỉnh cả nhân loại, việc ghi chép lại trong đại dịch này là vô cùng cần thiết và cuốn sách này sẽ trở thành một trong những nguồn tư liệu quý giá cho chúng ta và thế hệ mai sau.
Chương 3, Bài học cho thế giới sau đại dịch, khiến độc giả có trải nghiệm tâm đắc nhất. Nếu như ở chương trước, tác giả chủ yếu chú trọng việc ghi chép lại các sự kiện, thì tới chương 3, độc giả sẽ được tới gần hơn với những nhận định và đánh giá của tác giả cùng những ý kiến và suy nghĩ được gợi mở bằng cái nhìn toàn cảnh.
Thế giới của chúng ta buộc phải cùng nhau đi tìm đáp án cho một câu hỏi vô cùng hóc búa: “Nhân loại sẽ phải làm gì và làm như thế nào với trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch này? Theo tác giả, thế giới sau đại dịch (After Coronavirus Pandemic - ACP) là một thế giới hoàn toàn thay đổi cả về kinh tế, y tế, khoa học, giáo dục và văn hóa giao tiếp.
Trạng thái này được gọi bình thường mới. Trạng thái này buộc chúng ta phải thay đổi, nếu không thể thích nghi, chúng ta sẽ bị đào thải. Và có lẽ chúng ta sẽ chẳng thế biết chắc được rằng nguồn cơn của Coronavirus xuất phát từ đâu và liệu nó có phải vũ khí sinh học của Trung Quốc hay không, thế nhưng nó quả thực đã giáng một đòn chí mạng lên toàn nhân loại bởi nó có thể khiến những tập đoàn lớn sụp đổ, xoay chuyển cả nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Pháp… nhưng nó cũng có thể đưa một đất nước bị coi là “thế giới thứ 3” như Việt Nam vươn lên một tầm cao mới.
Bên cạnh những bi kịch và ảnh hưởng tiêu cực, không thể phủ nhận việc đại dịch Covid-19 đã tạo nên những thay đổi tích cực cho loài người đang sống trên trái đất về sự cân bằng giữa con người với môi trường tự nhiên và với các sinh loài khác.
Liệu rằng virus Corona có vĩnh viễn biến mất hay không? Nếu không, nhân loại sẽ sống thế nào trong tương lai sau này? Chúng ta chỉ có thể chờ đợi. Lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại, tôi tin rằng những ghi chép quý giá trong “Thiên đường và địa ngục” sẽ rút ra cho chúng ta những bài học đau đớn khắc cốt ghi tâm nhưng ngược lại, nó cũng sẽ là bài học quý giá và là nguồn động lực, khích lệ tinh thần tất cả chúng ta trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn hoành hành hiện nay.
Tôi hy vọng những người yêu thích đọc sách hoặc có nhu cầu tìm tài liệu nghiên cứu có thể dành thời gian để đọc và nghiền ngẫm về cuốn sách này. Kiến thức bổ ích, luận điểm thuyết phục, đặt vấn đề có cơ sở khoa học cùng lối hành văn gọn ghẽ, tỉ mỉ, sâu sắc nhưng hóm hỉnh, đây chính là giá trị tuyệt vời của tác phẩm này!
Có khi, để vượt qua Covid-19, lại bắt đầu từ những trang sách!
|
Bình luận (0)