Vượt qua Covid-19: Chiếm lĩnh trận địa truyền thông!

Người ta hay nói, chậm mà chắc, nhưng đối với cuộc chiến chống Covid-19 thì phải nhanh, cực nhanh mà vẫn phải chắc. Đó là cái khó nhưng là biện pháp quan trọng hàng đầu. Vì thế, không gì hiệu quả bằng thông tin.

“Vườn rộng, rào thưa…”

“Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” là câu thơ trong bài Bạn đến chơi nhà của nhà thơ Nguyễn Khuyến viết về một câu chuyện khác. Nhưng không hiểu sao, nhiều chuyện xảy ra trong “thời Covid-19” khiến chúng ta liên tưởng đến câu này và nhắc nhau, phải rào thật kín “vườn nhà”. Trong nhiều lực lượng, phải nói rằng, trận địa truyền thông là rất quan trọng!
Đà Nẵng và cả nước thực hiện đợt giãn cách lần thứ hai khi nhiều bệnh viện, khu phố… bị phong tỏa. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn có khả năng tiếp nhận 1.500 bệnh nhân được hoàn thành chỉ trong 72 giờ. Tất cả lực lượng được huy động, nếu so sánh thì khập khiễng nhưng đúng như bước vào thời kỳ thời chiến. Không khí căng thẳng bao trùm.
Ấy là do nguồn lây nhiễm được xác định vị trí nhưng khó chỉ ra đích danh. Mới thấy cuộc chiến này thực sự phức tạp.
Vào những ngày đó, thông tin ngập tràn trên mạng xã hội không chỉ khiến cho người dân cả nước lo lắng mà nhiều thông tin bịa đặt, thậm chí kỳ thị làm cho nhiều người vô cùng hoang mang.
Trong lúc đó, những người sống ở Đà Nẵng không nghĩ đến mức như vậy, bởi vì người dân ý thức hơn, tự giác tuân thủ quy định hơn nên mọi chuyện diễn ra ở mức bình thường nhất có thể.
Mọi việc tưởng như trở lại gần bình thường, chưa kịp vui thì nỗi lo lại ập đến. Sau các địa phương bùng phát căng thẳng thì nó bắt đầu lan đến Đà Nẵng. Đúng là vườn rộng rào thưa, “gà” chui lọt. Vài trường hợp đơn lẻ du nhập địa phương nhưng đã sinh ra rất nhiều nhiêu khê.

Từ khó đến… rất khó

Đà Nẵng vừa bị Thủ tướng phê bình liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực tế Đà Nẵng không quá đông du khách trong dịp lễ 30.4 và 1.5 như một số nơi khác. Người dân cũng đã có thói quen, có ý thức, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch.
Trong lúc đó, Đà Nẵng phải căng mình khi phải tiếp nhận trên 80% Việt kiều từ các “chuyến bay giải cứu” nhập cảnh về nước...
Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh, từ đầu năm 2021 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 11.800 lượt người nhập cảnh. Trong đó, có 72 bệnh nhân Covid-19. Riêng từ ngày 30.3 đến nay, có 61 bệnh nhân. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng phải liên tục tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, dẫn đến áp lực rất lớn đối với các ê kíp làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an đã phải dàn quân ra bảo vệ 24/24 giờ ở gần 50 khách sạn cách ly y tế có thu phí.
Bình thường không nhiều người biết chuyện này, nhưng từ con số trên mới biết áp lực của các lực lượng tuyến đầu chống dịch ở địa phương, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, công an bảo vệ cùng các lực lượng phối hợp. Và họ chưa hề được khen thưởng.
Vậy là, ngoài việc “rào thưa” còn cả việc chủ động mở cổng vườn nhà. Đã khó lại càng thêm khó.

Thông tin, thông tin và… thông tin !

Suốt thời gian dài “ngồi nhà trốn Covid-19”, chỉ một vài lần được trang bị tận răng đi trao quà rồi về, tôi cũng có thời gian theo dõi kỹ và thấu hiểu được công việc của những người làm truyền thông trên địa bàn.
Ở đây, chưa nói đến nỗi vất vả, nguy hiểm của các phóng viên tác nghiệp hằng ngày mà chỉ nói đến truyền thông của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của TP.Đà Nẵng. Không chỉ các trang thông tin chính thức mà cả hệ thống những người làm công tác này ở ban chỉ đạo, của ủy ban, của Sở TT-TT, trang cá nhân họ, nick lúc nào cũng sáng.
Không chỉ cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục, từ nhanh, rất nhanh đến siêu nhanh mà họ còn trả lời, hoặc kết nối để hỏi thông tin cho phóng viên. Trong khi cán bộ các sở ban ngành, các đơn vị đang ở hiện trường thì việc tập trung đầu mối thông tin như thế này là cách làm hiệu quả nhất, hạn chế phiền toái cho người ở hiện trường, cả hai phía cung cấp thông tin và cần có thông tin.
Hai trang cá nhân được người làm báo kết nối nhiều nhất là của anh Hoàng Khánh Hưng, ở Sở TT-TT và chị Ngọc Thủy, ở UBND TP.Đà Nẵng. Tôi sức lực có hạn nên cũng chỉ biết điện thoại, viết động viên, thỉnh thoảng gửi chút quà thể hiện sự mến phục những con người hết lòng vì nhiệm vụ.
Chưa hết đâu. Họ còn phải ngồi đọc và nhận phản ảnh từ nhiều nguồn về những tài khoản trên mạng xã hội tung tin đồn nhảm, nói không thành có bằng lời lẽ ác ý gây hoang mang, để kịp thời phối hợp ngăn chặn, xử phạt.
Xử phạt là biện pháp cứng rắn cần thiết nhưng không diệt được cái gốc của nó. Muốn “giết” được thì phải chiếm lĩnh trận địa thông tin bằng các tin tức chính thức, kịp thời và có sự lan tỏa.

Toàn dân làm thông tin

Bây giờ tất cả các tổ dân phố đều có group Facebook, Messenger, Viber, Zalo…, tùy theo sự phổ biến của người dân tổ đó. Group (nhóm) không chỉ có người dân với tổ trưởng mà cả những người có chức trách, công an khu vực…
Tất cả các thông tư, thông báo, ý kiến chỉ đạo từ trên đều đến người dân gần như ngay và luôn. Người dân không nghe theo lời đồn đoán. Hơn thế, người dân qua đó phản ánh các trường hợp liên quan, như những người khách bất thường đến ở trọ, những người tụ tập có nguy cơ cao, những hành động không tuân thủ quy định… Những vướng mắc, những thông tin gây hoang mang đều được phản ánh kịp thời.
Tất cả công khai để tạo sự đồng thuận.
Đó là “hàng rào” cộng đồng giúp vượt qua Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.