Khi viết những dòng này, những hồi ức trong em lại trở về. Trong dòng hồi ức ấy có chị, có em, có chú Hưng, cô Trâm… và có cả Sài Gòn của chúng ta.
Những tháng ngày tưởng chừng đau thương và vô định ấy lại là lúc chúng ta tìm thấy chính bản thân mình và chứng kiến được thành phố này thật mạnh mẽ đến dường nào, tình nghĩa bà con Sài Gòn tuyệt vời, trân quý biết bao nhiêu!
Cách đây 5 tháng, ngay sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan dự bị, em chưa từng nghĩ rằng mình có thể trở thành một trong những tình nguyện viên chống dịch Covid-19. Sống ở Sài Gòn, chắc chị vẫn còn nhớ như in những ngày đầu thành phố mình bắt đầu giãn cách, lúc ấy mọi thứ trở nên vắng lặng lạ kỳ. Em nghĩ rằng có lẽ suốt hơn 300 năm tuổi, thành phố này chưa bao giờ chậm lại đến thế.
Chị biết không, ngày em bước ra khỏi cổng trường để đến điểm phụ trách thu dung bệnh nhân Covid-19 giữa Sài Gòn, em đi ngang qua những con đường Sài Gòn xanh mát, ngang qua các trạm tàu điện ngầm hiện đại đang dần hoàn thiện, cầu Thủ Thiêm mới và những tòa cao ốc đẹp tráng lệ. Nhưng trong vẻ đẹp ấy của Sài Gòn, có điều gì đó thật buồn khi không có hàng triệu gương mặt tươi cười trên đường phố như trước, thiếu đi tiếng rao gánh hàng rong, những cửa tiệm sáng loáng và cả những tiếng còi xe tất tả ngược xuôi.
Trải nghiệm những “nghề” mà trước đây mình chưa bao giờ có thể nghĩ đến như thợ cắt tóc cho các bệnh nhân... |
M.L |
Trong không gian lặng im ấy, nhà nhà đóng cửa, hàng rào dựng lên khắp khu phố và những chuyến xe cứu thương xẹt ngang qua các đại lộ để lại một cảm giác âu lo…
Điện thoại trên tay lướt Facebook, vài người bạn em thay chiếc avatar rạng rỡ trước đây của mình bằng những chiếc áo bảo hộ màu xanh, và đâu đó còn có cả búp sen trắng nền đen... Em biết Sài Gòn đang trở nặng ngay lúc ấy. Trong em thôi thúc mong muốn mình có thể thực hiện nhiệm vụ thật tốt để Sài Gòn sớm trở lại dáng hình đô thị năng động nhất Việt Nam, lấy lại nhịp sống đầy sắc màu trẻ trung của thành phố trẻ. Và trước tiên, đó là bớt đi những chiếc xe cứu thương, hết những hàng rào kẽm sắt, để những tình nguyện viên đến từ khắp các tỉnh thành được trở về với gia đình, viết tiếp ước mơ nghề nghiệp của mọi người.
Ngày đầu tiên em được nhận nhiệm vụ tại khu cách ly điều trị F0, cũng là lúc em đón chị. Trong cơn mưa nặng hạt hôm ấy của Sài Gòn, xen kẽ tiếng sấm, ánh chớp lóe lên càng làm cho không khí thêm phần ảm đạm, một khung cảnh ám ảnh cho bất cứ ai đang bên ngoài tổ ấm của mình. Chị bước xuống xe, mình gặp nhau nhưng không hề biết mặt, em phụ chị xách va li lên 2 tầng lầu.
Trông dáng vẻ của chị khi ấy rất mệt, lo lắng. Em để ý nghe thấy tiếng sụt sùi, rưng rưng nước mắt của chị, mặc trời mưa to nặng hạt. Chắc hẳn tâm trạng chị lúc ấy vô định lắm phải không? Rời xa gia đình ấm áp, cảm xúc một mình vào khu cách ly chắc hẳn chưa bao giờ có với bất kỳ ai, cho đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Em còn nhớ khi chị vừa nhận phòng, chị nói rằng chị sợ ma quá Luân ơi! Nhưng có con ma nào đáng sợ hơn con vi rút trong người những bệnh nhân Covid-19 đúng không chị? Và từ đó, em cùng chị quyết tâm diệt trừ nỗi sợ hãi, từng bước, từng bước một.
Thế mà có ai ngờ, những ngày tiếp theo ấy, mỗi sáng sớm cả khu cách ly được đánh thức dậy bằng tiếng chổi sột soạt của em dưới sân, thay cho tiếng chuông báo điện thoại quen thuộc hằng ngày. Rồi cả những buổi tối, khu cách ly tổ chức thi hát cải lương online giữa các phòng với nhau, có khi thi đố vui với những đáp án khiến cả khu mình vang lên tiếng cười không ngớt. Nếu không ai nhắc nhớ, chắc chị em mình cũng chẳng nhớ mình đang đi cách ly chị nhỉ!
Tôi coi quãng thời gian tình nguyện chống dịch trong khu cách ly như một học kỳ của bản thân mình |
m.l |
Nhưng cũng có lúc cả khu cách ly “nóng”, tim em đập nhanh hơn bao giờ hết. Mọi người ở phòng riêng của mình không biết chuyện phòng khác, đó là khi bác Lài, bà Hiên phải thở máy mỗi lần ô xy trong máu thấp, khó thở. Mỗi lúc ấy em vừa làm nhiệm vụ, vừa cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến. Bởi em có niềm tin mãnh liệt rằng khu cách ly sẽ không có ai chuyển nặng. Và cho đến tận hôm nay, điều đó đã trả trở thành sự thật. Đó không chỉ niềm vui, niềm tự hào của em, mà còn là hạnh phúc của tất cả mọi người và những gia đình yêu quý của chúng ta đang chờ đợi ở nhà nữa.
Em coi quãng thời gian này như một học kỳ của bản thân mình. Em được trải nghiệm những “nghề” mà trước đây mình chưa bao giờ có thể nghĩ đến như thợ cắt tóc cho các bệnh nhân. Một, hai, ba…, lần lượt tay nghề em cũng trở nên khá hơn trông thấy. Rồi đến ngày đón Trung thu, em được hóa thân thành chú Cuội phát bánh cho mọi người. Chắc chị, em và mọi người lần đầu tiên có một đêm phá cỗ trăng rằm đặc biệt đến như vậy! Mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng ai cũng nói với em rằng đó là chiếc bánh ngon nhất trong cuộc đời. Và không gian mùa Trung thu năm nay với em cũng đúng nghĩa tết của tình thân, chị nhỉ!
Trong khó khăn mới biết bạn hiền, trong cơn dịch mới thấu hiểu tình thương nhau. Mặc dù là những “con bệnh” nhưng ở trong này chúng ta không khi nào cảm thấy mình mang bệnh bởi những tiếng cười, niềm vui và sự sẻ chia cho nhau thật to lớn. Bữa cơm ngon nhất của Ánh là khi được các chị em cùng phòng san sẻ phần ăn tối của mình cho em, khi em gia nhập ngôi nhà chung này lúc chiều muộn.
Câu chuyện hay nhất của chúng ta là những buổi cùng nhau hàn huyên chuyện gia đình, liệt kê những việc nhất định phải làm, phải ăn, phải thực hiện sau khi hết bệnh. Bài hát hay nhất là tiếng hát cất lên từ những tâm hồn vượt qua khỏi bệnh tật. Đó là những lúc em thấy niềm tin của mình cũng chính là liều kháng sinh để chúng ta trở nên mạnh khỏe hơn.
Hôm nay mọi người xuất viện, cũng là lúc Sài Gòn mình dần trở lại trạng thái bình thường mới. Em thấy nhớ mọi người, mắt ai cũng rưng rưng và bịn rịn vì chúng ta đã trở nên quá thân thuộc. Không ai muốn thoát khỏi group Zalo chung... Trở về gia đình của mình, mang theo những người bạn mới sống cùng quận với nhau mà trước giờ chưa nên duyên gặp gỡ. Chắc sau này mọi người sẽ có những hàng xóm rất tuyệt vời, chung những câu chuyện cùng nhau vượt qua giai đoạn đầy khắc nghiệt của dịch bệnh.
Và chắc cũng sớm thôi, thành phố mình cũng hồi sinh giống như những cô chú, anh chị em trong khu cách ly của mình, luôn vui cười, lạc quan mỗi lần xét nghiệm âm tính. Khoảng thời gian này tuy không dài nhưng trong giai đoạn lịch sử này chắc hẳn sẽ không thể nào lãng quên. Đó sẽ là những câu chuyện chúng ta sẽ kể cho nhau rằng mình kiên cường như thế nào, đã chiến thắng chính mình để vượt qua Covid-19 ra sao. Đó chắc hẳn là một bài học trải nghiệm quý giá về sức khỏe, tình thương...
Và Sài Gòn chúng ta còn đó rất nhiều câu chuyện đẹp khác. Những y bác sĩ, công an, bộ đội, tình nguyện viên đến từ khắp mọi miền đất nước. Những chuyến xe, tàu chở rau củ quả hướng về từ khắp nẻo đường, sông rạch... Những kiều bào ngày đêm mong ngóng sức khỏe của người thân, tình hình của thành phố.
Đóng góp của em như một phần nhỏ cho trận chiến giữa thời bình, em tự hào khi là một người lính bộ đội Cụ Hồ được trực tiếp đem đến nụ cười, lạc quan, khỏe mạnh cho người dân cũng là những cô, bác, anh, chị, em của mình.
Chị em mình cùng chúc những người bạn tuyến đầu mạnh khỏe, hạnh phúc bởi những tháng ngày cống hiến hết mình cho cộng đồng. Chúng ta hãy cùng nuôi dưỡng khát vọng đại dịch Covid-19 sớm qua đi, thành phố trở lại nhịp sống năng động bật nhất, đất nước mình tiếp tục phát triển mạnh mẽ để sau này mình tự hào vì là một phần của lịch sử thành phố anh hùng.
Chúc chị cùng gia đình sức khỏe và bình an. Hẹn gặp lại mọi người!
TP.HCM, 28 tháng 9 năm 2021.
Bình luận (0)