Vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra, tôi cũng như bao người khác luôn phải tìm cách xoay xở để có thể trụ được trong công việc làm ăn hằng ngày. Và cũng trong thời gian dịch bệnh hoành hành, tôi cố gắng thực hiện “giấc mơ sống xanh” của mình.
Ấp ủ
“Giấc mơ sống xanh” của tôi, đơn giản chỉ là nghĩ cách thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đồng thời làm ra sản phẩm thân thiện môi trường hơn.
Đầu tháng 8.2018, tôi có xem clip trên Báo Thanh Niên điện tử (thanhnien.vn) về câu chuyện vì tình yêu với đất nước Việt Nam, một cặp vợ chồng người Mỹ và người Pháp đến Sài Gòn khởi nghiệp, lập dự án kêu gọi mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa. Cặp vợ chồng này đi về miền Tây chọn mua cỏ bàng để làm ống hút dùng một lần; ngoài ra còn làm ra sản phẩm ống tre, kim loại sạch, thủy tinh để dùng nhiều lần, thay cho thói quen dùng ống hút nhựa...
Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm những nước phát sinh nhiều rác thải nhựa nhất thế giới, hệ lụy ô nhiễm môi trường rất lớn. Biết được thực tế đáng lo ngại này, “vợ chồng Tây” đó đã đến Sài Gòn với nỗ lực hành động cụ thể. Tôi thấy điều đó rất ý nghĩa. Bởi nhìn quanh mình, đồ nhựa dùng một lần rồi thải ra môi trường nhan nhản khắp nơi.
Với việc chỉ mua một ly cà phê cóc, thì chúng ta đã “ôm” 1 cái ly, 1 cái nắp đậy, 1 cái ống hút, 1 cái bọc ni lông, tất cả đều nhựa. Rác nhựa ấy sẽ mất hàng chục, thậm chí cả trăm năm mới có thể tự hủy. Còn nếu xử lý thì tốn kém chi phí lớn.
Hành động
Ấp ủ “giấc mơ sống xanh”, trong năm 2020, khi nhận thấy dịch bệnh Covid-19 khiến cho xã hội giãn cách, rồi dịch vụ ăn uống chẳng hạn, có khi chuyển sang “bán - mua mang đi”, tôi bắt đầu nhập khẩu máy móc về làm ra sản phẩm thương hiệu Kim Hòa với ly, chén, bát, tô, hộp cơm, hộp đựng bánh bao, ống hút… đủ loại và đủ kích cỡ, tất cả đều bằng giấy tạo ra từ bột tre. Chất lượng an toàn, hợp vệ sinh của sản phẩm đều được ngành y tế kiểm tra, thẩm định và cấp giấy xác nhận rõ ràng.
Cơ sở sản xuất, tôi tận dụng từ mảnh đất sẵn có ở Bến Lức (Long An) với khoảng 40 lao động ổn định. Điểm giới thiệu sản phẩm của tôi ở 194 Hải Thượng Lãn Ông, P.14, Q.5 (TP.HCM). Lúc đầu, ít ai biết đến những “sản phẩm sống xanh” của tôi, nhưng dần dà sự lan tỏa mỗi lúc một tăng. Nhiều khách hàng tìm đến mua, có nhiều hàng quán ở Sài Gòn, khách hàng ở các tỉnh, thậm chí có khách mua gửi ra nước ngoài, để sử dụng thay thế cho các sản phẩm tương tự nhưng trước đó họ dùng chất liệu nhựa.
Nguồn khách hàng tuy chưa lớn, nhưng thực tế cho thấy sản phẩm có đầu ra, thu nhập bình quân ở cơ sở của tôi là khoảng 9 triệu đồng/lao động/tháng, được lo ăn ở, phương tiện vận chuyển đi lại làm việc... Tôi vui mừng vì giữa lúc khó khăn do dịch bệnh gây ra, mình xoay trở làm được câu chuyện đó.
Niềm tin
Máy móc mà tôi đầu tư chỉ mới vận hành đạt gần 1/3 công suất, nhưng tôi vẫn lạc quan tin tưởng sẽ sớm có ngày dây chuyền máy móc đó sẽ vận hành tối đa công suất.
Chất lượng cuộc sống mỗi ngày một tốt lên. Nhu cầu tiêu dùng xanh cũng ngày một thêm lan tỏa. Mọi người cũng ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình, cộng đồng. Đặc biệt là ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường từ cuộc sống sinh hoạt, hành vi tiêu dùng của mình.
Tôi cũng nhận thấy thị trường của “sản phẩm sống xanh” đang rộng lớn, tương lai sẽ ngày càng rộng lớn hơn. Đó là cơ sở giúp tôi có thêm hy vọng, cho “giấc mơ sống xanh” của tôi và của những người có kế hoạch tương tự như tôi, sẽ sống được, vượt qua được ảnh hưởng của Covid-19.
|
Bình luận (0)