Những ngày này, hầu như học sinh (HS) đều hướng sự tập trung vào không khí của những ngày cận tết thay vì vào việc học. Tình hình này sẽ còn tiếp tục diễn ra những ngày sau tết.
|
Ngán học
Trước ngày đi học khoảng 2 hôm, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình như những ngày đi học trước đó |
||
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ MỸ LINH (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng TP.HCM) |
||
Chị Minh Tú (Q.Bình Thạnh) kể: “Thi học kỳ 1 xong, sáng nào đứa con trai đang học lớp 2 của tôi cũng ngủ dậy trễ, kiếm cớ để xin nghỉ học. Hôm thì cháu nói nhức đầu, bữa thì nói đau bụng. Thấy vậy, tôi cho cháu nghỉ thêm một hai ngày. Nhưng sau đó, cháu vẫn tiếp tục viện lý do này nọ để xin nghỉ tiếp”.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng bộ môn sử và địa, giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), cho rằng: “Với HS bậc THPT, chúng ta trông chờ vào ý thức học tập của các em là chính. Sau thi học kỳ 1 là thời điểm giáp tết nên HS thường xao nhãng việc học hơn thường ngày là chuyện dễ xảy ra và có thể kéo dài cho đến thời điểm sau tết”. Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), nói: “Sau thi học kỳ là tới các ngày lễ tết cuối năm, HS dễ có tâm lý muốn được nghỉ xả hơi. Đối với các môn học được cho là môn phụ như giáo dục công dân, giáo dục thể chất..., các em thường lơ là, không chịu học. Hơn thế, sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, HS vẫn mắc “hội chứng” này vì dư âm của tết. Không chỉ HS mà một số ít giáo viên cũng gặp phải tình trạng tương tự”.
Duy trì nền nếp hằng ngày
Lời khuyên chơi mà học Phụ huynh: Nên có kế hoạch vui chơi, đón tết sao cho vẫn đảm bảo được sức khỏe cho các em. Đồng thời, cần giúp các em có được suy nghĩ: dù vui chơi, nhưng hằng ngày vẫn dành chút thời gian xem lại bài vở (tạo thói quen không lơ là trong học tập). Học sinh: Cần tránh những trò chơi mang tính sát phạt thắng thua bằng tiền bạc. Cần phân bổ thời gian hằng ngày học bài và làm bài của thầy cô cho trong thời gian tết. Những ngày sắp đi học, tự bản thân các em cần tập thói quen sinh hoạt, ăn uống như những ngày đến trường trước đó. Ông TRẦN TẤN TÀI - Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM |
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), thì: “Năm nay, thời gian nghỉ tết kéo dài khoảng 2 tuần nên sau tết, HS rất dễ có thói quen lười biếng, chưa trở lại với nền nếp sinh hoạt, học tập như thường ngày. Do vậy, trước ngày đi học khoảng 2 hôm, phụ huynh nên tập dần thói quen cho con mình như những ngày đi học trước đó. Nhờ vậy, đến ngày nhập học, các em sẽ thích nghi nhanh. Nếu không, trạng thái rề rà kéo dài, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập của các em”.
Hiện nay, nhiều trường đã lên phương án khắc phục tính ì của HS những ngày sau tết Nguyên đán. Thầy Nguyễn Văn Cải nêu biện pháp: “Nhà trường siết chặt kỷ luật kết hợp với tăng cường các hoạt động ngoại khóa phụ trợ học tập để hạn chế tình trạng HS rơi rớt trước và sau tết. Trong thời điểm nhạy cảm này, HS muốn nghỉ học phải được chính phụ huynh trực tiếp đến trường xin phép và trình bày lý do chính đáng với giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu. Bên cạnh đó, giáo viên các bộ môn sẽ tăng cường kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút thường xuyên. Ngoài ra, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tạo sự thích thú cho các em vừa học vừa chơi như đố vui toán học, tham quan dã ngoại với các môn xã hội…”.
Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), cho biết: “Nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn phải có “lì xì” bài tập cho HS ngay trước thời gian nghỉ tết. Năm nay HS được nghỉ tới 14 ngày, thời gian rất dài, nếu không cho các em bài tập về nhà thì các em khó thể bắt nhịp học tập sau kỳ nghỉ. Làm như vậy để trong thời gian nghỉ các em vẫn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với việc học, với bài tập được giao. Ngay sau tết, các thầy cô sẽ liên tục kiểm tra bài để đánh động thái độ, tinh thần học tập của các em”.
Minh Luân
Bình luận (0)