Trượt ĐH năm đầu, năm sau đậu 4 trường
Cách đây gần 25 năm, người truyền lửa đặc biệt Nguyễn Hữu Quân là cậu học trò đam mê học toán ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Nói về học trò cũ của mình, thầy Đỗ Mạnh Toàn, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bình Long (tỉnh Bình Phước), cho biết: "Quân ở trọ tại Cát Tiên, sống tự lập, sống xa nhà từ nhỏ. Khi tôi đến thăm phòng trọ của thầy Quân, phòng chỉ dựng tạm bằng ván gỗ, mái tôn, đồ đạc trong nhà không có gì nhưng góc học tập luôn được sắp đặt ngay ngắn, gọn gàng. Năm 1999 lụt lớn ở Cát Tiên, phòng trọ bị ngập, thầy cô đến thăm, thầy Quân vẫn lạc quan, chịu khó dọn dẹp, dù ngập lụt nhưng không nản lòng và đến trường đều các buổi học".
Dù chăm chỉ, nỗ lực, nhưng thầy Quân trượt ĐH vào năm 2000. "Khi đó, tôi nghĩ nếu không học ĐH thì chỉ có thể làm ruộng và mãi mãi không thể thoát khỏi cái nghèo", thầy Quân chia sẻ. Thất bại nhưng không nhụt chí, 3 tháng sau thầy quyết tâm khăn gói lên TP.HCM để ôn thi. Những ngày đầu học tại trung tâm luyện thi, thầy bị "sốc toàn tập" vì kiến thức khác xa so với ở quê. Lên lớp thầy cô giảng bài thầy không hiểu, nhưng thầy không nản lòng. Cứ sau mỗi tiết học, cậu học trò vùng cao lại ghé vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ tìm tòi những quyển sách để đọc và tự học.
Trong những ngày ôn thi ĐH, thầy gặp được người anh Đinh Văn Hoàng, hiện là giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ở chung trọ gần 1 năm nhưng chỉ có hai lần thầy Hoàng giảng bài cho thầy Quân. Thế nhưng, những lần trò chuyện ít ỏi đó đã đủ gieo cho thầy mong muốn được am hiểu và giỏi toán như thầy Hoàng.
Có những ngày căn phòng trọ nhỏ sáng đèn từ đêm đến sáng, bóng cậu học trò nghèo vẫn miệt mài học bài không ngủ. Với nỗ lực bền bỉ, vào kỳ thi ĐH năm 2001, thầy đậu vào 4 trường ĐH tại TP.HCM, trong đó có nguyện vọng mà thầy luôn ước ao. Đó là khoa Toán của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
4 năm ròng rã chiến đấu với bệnh ung thư
Năm 2005, thầy Quân tốt nghiệp ĐH và học lên thạc sĩ, nhưng biến cố lại ập đến khi thầy phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Thầy nghẹn ngào chia sẻ: "Lúc đó, tôi sốc lắm, nhưng tôi đã tự nhủ với một học trò ở vùng quê nghèo như mình, được đi học ĐH đã là một may mắn, được học thạc sĩ là một may mắn nữa".
Ai cũng nghĩ thầy chỉ còn sống được khoảng 1 năm. Nhà thầy có 5 người bị ung thư, 4 người khác đã qua đời, chỉ còn lại một mình thầy. Thế nhưng, gia đình vẫn nuôi hy vọng, chạy khắp nơi vay mượn tiền để tìm cách chữa bệnh cho thầy. Sau 4 năm ròng rã chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, may mắn đã mỉm cười, thầy khỏi bệnh…
Để trị bệnh, thầy uống nhiều loại thuốc, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc học thạc sĩ. Tuy nhiên, với ước mơ học tập luôn cháy bỏng, thầy nỗ lực bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Năm 2011, thầy Quân quyết định dành một năm để học nghiệp vụ sư phạm và đến năm 2012 về Trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước giảng dạy.
Có một nơi, toán không chỉ là công thức
Suốt 11 năm gắn bó với nghề, thầy luôn có cách giảng dạy đặc biệt và luôn là người truyền lửa đam mê học tập cho học sinh. "Mở sách ra, chúng ta cùng chứng minh công thức này nhé", thầy vừa nói dứt lời, đám học trò chẳng ai bảo ai, các em nhanh chóng quay xuống thảo luận nhóm. Dường như việc đó đã là một thói quen. Thầy Quân mỉm cười, thầy đi từng bàn một xem các em đã thảo luận đến đâu, có gặp khó khăn chỗ nào thầy đều tận tình chỉ bảo. Tiết học diễn ra sôi nổi vì các bạn ai cũng được trao đổi với nhau, ai cũng được nói lên ý kiến của mình.
Thầy luôn lồng ghép vào tiết học những vấn đề đời sống xã hội bằng câu hỏi quen thuộc "Các em có biết dạo này có tin tức gì xảy ra không?". Thầy đặt nhiều câu hỏi cho học sinh trả lời để các em được chủ động tìm tòi kiến thức, học cách tư duy, trình bày suy nghĩ của bản thân. Câu hỏi của thầy luôn xoay quanh nhiều khía cạnh khác nhau.
Toán đối với thầy là những câu hỏi tại sao như: tại sao lại có công thức đó, tại sao điều đó lại xảy ra... Chính vì vậy, thầy luôn nỗ lực dạy cho học trò tư duy suy luận, giúp học sinh nhìn nhận và hiểu được bản chất của vấn đề, chứ không đơn thuần là công thức. Thầy thường xuyên giao tiếp, trao đổi cùng học sinh nên hình ảnh người thầy gần gũi, nhiệt huyết không còn xa lạ đối với những học trò Trường THPT chuyên Quang Trung.
Trần Ngọc Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung, chia sẻ: "Những kiến thức tính toán vốn khô khan nhưng qua cách giảng và lý giải của thầy liền trở nên vô cùng dễ hiểu và thú vị. Thầy Quân còn tận tâm đi đến từng bàn để hỏi han tiến độ học tập, hay bố trí lại lớp học để giúp các bạn có thể cùng nhau trao đổi và thảo luận".
Nhật Linh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung, bùi ngùi kể: "Từ lúc lên ĐH rồi đi làm, tôi cũng ít dần những dịp về thăm thầy, nhưng sinh nhật nào của tôi, thầy cũng chúc, lâu lâu thầy gọi hỏi thăm. Tôi cảm thấy chặng đường trưởng thành của mình luôn có thầy dõi theo và luôn lấy đó làm động lực để cố gắng trong mọi bước đi".
Vượt qua căn bệnh hiểm nghèo nhưng sức khỏe của thầy đã yếu đi vì di chứng. Đến khi không còn khả năng đứng lớp, thầy Quân cho biết sẽ mở một lớp học đặc biệt. "Đó là nơi thầy sẽ dạy những điều mình biết, học sinh có một khu vui chơi và một khu học tập. Nơi đó, toán sẽ không còn là công thức mà là tư duy, suy luận", thầy Quân nói về dự định của mình.
Thầy Trần Minh Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quang Trung, chia sẻ: "Thầy Quân luôn tích cực tham gia mọi hoạt động của nhà trường. Thầy không ngại việc khó và có sự am hiểu về tin học. Thầy luôn giúp đỡ thầy cô nhà trường nhiều về tin học. Thầy là người nắm rất tốt các phần mềm toán học, đặc biệt thích ứng nhanh với các công nghệ mới".
Cô Hồ Nguyễn Bích Thủy, giáo viên ngữ văn cùng trường, nhận xét: "Thầy Quân là một giáo viên rất chuẩn mực, được đồng nghiệp yêu mến và phụ huynh, học sinh rất quý trọng. Thầy rất hết mình, nhiệt tình với học sinh, nắm bắt thông tin và có những phương pháp giáo dục rất tốt".
Bình luận (0)