Vượt qua thử thách thiếu điện do khô hạn

17/06/2016 10:39 GMT+7

Tình trạng nắng hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở miền Nam vừa qua là thách thức lớn trong việc đảm bảo cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt nhưng cũng là 'thước đo' khả năng thích ứng với những biến đổi khó lường của thiên tai.

Áp lực phụ tải tăng cao
Năm 2016, tình hình khô hạn có cường độ mạnh, kéo dài nhất trong hàng trăm năm qua gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện và thủy lợi, trong khi nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, nhiều tuyến đường dây 110 kV thường xuyên đầy tải. Cụ thể, các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Vĩnh Long, Lâm Đồng… phụ tải điện tăng cao không ngừng bởi nhu cầu cần điện bơm nước tưới cây trồng. Khó khăn chồng chất khi các tỉnh, thành ĐBSCL hạn hán, xâm ngập mặn nghiêm trọng, việc cung cấp đủ nguồn điện là một thách thức không nhỏ cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC).
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, việc cung cấp điện càng lúc càng khó khăn. Theo thống kê của EVN SPC, sản lượng điện nhận tháng 5.2016 là 5,045 tỉ kWh, sản lượng bình quân ngày là 162,74 triệu kWh/ngày. Công suất lớn nhất là 8.698 MW (ngày 10.5). So với cùng kỳ năm trước sản lượng tăng 6,74% và công suất max tăng 13,08%. Lũy kế trong các tháng từ đầu năm 2016 đến nay, sản lượng điện nhận là 23 tỉ 334,9 triệu kWh, sản lượng bình quân ngày là 153,51 triệu kWh/ngày. Công suất lớn nhất là 8.698 MW (ngày 10.5). Lũy kế so với cùng kỳ năm trước sản lượng tăng 8,4% và công suất max tăng 13,08%. Công suất cực đại toàn Tổng công ty tăng cao nhất, chủ yếu tập trung tại địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An, nhất là phụ tải tiêu dùng dân cư và công nghiệp xây dựng; cùng với đó là nông lâm thủy sản…
Vận dụng triệt để các giải pháp
Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục, EVN SPC đã đưa ra hàng loạt giải pháp ứng phó. Trước hết ở khu vực hạn hán và xâm nhập mặn, EVN SPC tiếp tục thực hiện phương án đã xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện, theo dõi sát phụ tải để có điều chỉnh phù hợp. Kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ảnh hưởng đến lưới điện. Bên cạnh đó, EVN SPC phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, nắm rõ tình hình hoạt động của các trạm bơm nước, kế hoạch vận hành các trạm bơm...
Cũng theo ông Ái , EVN SPC yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện báo cáo hằng ngày về tình hình cấp điện khu vực hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL để có giải pháp kịp thời. Nhiều công trình như trạm 220 kV Cần Đước và đường dây đấu nối; trạm 220kV khu công nghiệp Sa Đéc và đường dây đấu nối cùng 61 công trình lưới điện 110kV theo tiến độ Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cũng được gấp rút khởi công. Đồng thời, hoàn tất đóng điện 31 công trình lưới điện 110 kV theo tiến độ. Riêng khu vực có phụ tải tăng cao như tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Vĩnh Long… EVN SPC đã không điều hòa tiết giảm phụ tải nhằm đảm bảo điện có đủ để người dân sản xuất.
Trong các giải pháp của EVN SPC, không thể không kể đến một số công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới lưới điện để tăng cường năng lực cấp điện, chống quá tải được thực hiện từ năm 2014 và 2015 đã phát huy tác dụng kịp thời ngay trong mùa khô 2016 như: trạm 110kV Hòn Đất - 40 MVA, Bình Thạnh - 40 MVA, An Phước - 40 MVA, Lâm Hà - 40 MVA; lắp máy 2 - 63 MVA trạm Bàu Bèo, KCN Trảng Bàng - 40 MVA, Đức Lập - 63 MVA; Các công trình đường dây 110 kV: 172 Bạc Liêu 2 - Giá Rai, 171 Thác Mơ - Phước Long, 171 Trần Quốc Toản - An Long - Hồng Ngự… nâng công suất và lắp máy 2 để chống quá tải như trạm 110 kV Cần Thơ, Đông Xuyên, Vĩnh Long, Vũng Liêm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.