Vượt Thái Bình Dương 'chinh phục' thế giới

22/07/2019 06:07 GMT+7

Cuối tháng 7, nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm sẽ lên tàu chở hàng khởi hành từ Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu hành trình kéo dài 30 ngày băng ngang Thái Bình Dương. Tiếp đó, anh sẽ có màn trình diễn dọc bờ biển California (Mỹ) trong 2 tuần. Một trong những điều mà nghệ sĩ hướng tới là nghệ thuật không biên giới.

Nguyễn Trần Ưu Đàm từng theo học ngành điêu khắc tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đến năm 1994. Sau khi cùng gia đình tới Mỹ định cư, anh tiếp tục theo học thạc sĩ mỹ thuật tại Khoa Nghệ thuật thị giác của Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA). Anh quyết định trở về VN, làm việc và sinh sống tại TP.HCM. Chuyến hành trình này nằm trong dự án Time Boomerang được Ưu Đàm khởi động từ năm 2015.

Hành trình tới 5 châu lục

Trả lời cho câu hỏi ý tưởng dự án Time Boomerang được hình thành thế nào, Ưu Đàm diễn giải từ bối cảnh anh sinh ra vào năm 1971 tại Kon Tum khi chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt: “Tôi vẫn thường được nghe kể chuyện bom B.52 rải thảm hằng ngày, hay những câu chuyện cả gia đình cùng chạy xuống hầm trú ẩn”. Sau này, anh lại được nghe ông và cha mình nói những câu chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa mỗi ngày. “Khi đi học tại Mỹ, tôi nghĩ về những câu chuyện đó và tự nhiên thấy rằng đây là “bài toán” mình cần phải tìm cách giải”, nghệ sĩ nói.
Những câu chuyện ở Biển Đông đã truyền cảm hứng hình thành ý tưởng nghệ thuật cho Ưu Đàm. Anh từng nghĩ đến ý tưởng thả những ngón tay ở phía đông, tây, nam, bắc VN thể hiện cách đo ước lệ, cho thấy sự sở hữu, chiếm lĩnh, muốn đất nước được bảo vệ. Sau đó, những ý tưởng tiếp nối đã dẫn anh thực hiện dự án không chỉ “gói” trong câu chuyện của đất nước mình mà mở rộng ra câu chuyện của quốc gia khác, của thế giới - đó là những suy nghĩ về các vấn đề như chủ nghĩa thực dân, đế quốc, thuộc địa, thậm chí những câu chuyện ấy còn vượt ra ngoài không gian.
Tôi chỉ là một phần rất nhỏ của nghệ thuật đương đại VN được tạo nên bởi nhiều nghệ sĩ tài năng. Dù vậy, tôi luôn ý thức khi bước ra khỏi VN thì hình ảnh công chúng thế giới nhìn vào đất nước, hay nghệ thuật đương đại của VN sẽ quy chiếu vào mình
Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm
Dự án Time Boomerang ra đời với những hoạt động trình diễn, sắp đặt, tương tác ở nhiều quốc gia, trong đó có phần trình diễn thả 5 ngón tay bằng đồng ở 5 châu lục. 4 năm trước, vào tháng 9.2015, Ưu Đàm thả ngón tay đầu tiên tại vịnh Bothnia, Thụy Điển. 2 tháng sau, anh tiếp tục thả ngón tay thứ hai xuống vịnh Moreton, Úc. Và tới đây, ngón tay thứ ba sẽ được thả xuống biển California, Mỹ. Với chuyến hành trình này, ngoài việc được Bảo tàng Orange County Museum of Art (Mỹ) và một số đơn vị hỗ trợ, Ưu Đàm cũng tự bỏ chi phí. Ngoài ra, anh cũng gây quỹ cho chuyến đi bằng hình thức crowdfunding (vốn cộng đồng).
Vượt Thái Bình Dương 'chinh phục' thế giới1

Bàn tay đúc bằng đồng cùng 5 ngón tay được thả ở 5 châu lục

Nghệ thuật không phân chia biên giới

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhìn nhận, nghệ thuật là không phân chia biên giới hay quốc tịch. “Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể thể hiện, phát ngôn với ý tưởng, câu chuyện nghệ thuật của mình để mọi người cùng hiểu. Vai trò của nghệ sĩ còn mang vai trò công dân toàn cầu, công dân quốc tế. Nghệ thuật của nhân loại và có nghĩa rằng nghệ thuật không chia thành những khu vực địa lý khác nhau”, ông nói. Với những tác phẩm mang dấu ấn về VN được đưa đến công chúng quốc tế, ông Hải cho rằng: “Nghệ sĩ có thể lấy bản chất câu chuyện đời sống nơi anh sinh ra và trưởng thành, cũng như lấy câu chuyện của dân tộc, hay nền văn hóa của đất nước mình tạo thành cảm hứng, đưa những ý tưởng trở thành tác phẩm nghệ thuật thú vị cũng là cách tốt để mọi người hiểu về văn hóa dân tộc anh ta mang theo”.
Ưu Đàm thừa nhận, dự án Time Boomerang mang ý tưởng vượt qua không gian và thời gian, nhưng lại được xuất phát từ câu chuyện ở VN, đất nước nơi anh sinh ra và lớn lên. “23 tuổi, tôi rời VN nhưng nền tảng của mình tại đây không mất đi mà định hình trong tôi rất nhiều. Tôi quyết định trở về VN cũng bởi khi trở về tôi cảm nhận thấy mình có sự xúc động, cảm xúc đặc biệt, mà người nghệ sĩ thường đi theo cảm xúc của mình”, Ưu Đàm chia sẻ.
Ưu Đàm không dám nói mình đại diện cho nghệ thuật đương đại VN khi đến với công chúng thế giới. Anh nói: “Tôi chỉ là một phần rất nhỏ của nghệ thuật đương đại VN được tạo nên bởi nhiều nghệ sĩ tài năng. Dù vậy, tôi luôn ý thức khi bước ra khỏi VN thì hình ảnh công chúng thế giới nhìn vào đất nước, hay nghệ thuật đương đại của VN sẽ quy chiếu vào mình”.
Từ những năm 1990, nghệ thuật đương đại VN đã đến với công chúng thế giới. Cho đến nay, đã có những nghệ sĩ người Việt hay gốc Việt được nhìn nhận là nghệ sĩ quốc tế. Những nghệ sĩ đương đại VN nổi bật thuộc nhiều thế hệ có thể kể đến: Trần Lương, Lê Quang Đỉnh, Bùi Công Khánh, Nguyễn Minh Phước, Trương Tân, Lê Quảng Hà, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Lê Đức Hải, Lê Ngọc Thanh...
Bà Serenella Ciclitira, người đồng sáng lập Parallel Contemporary Art, đồng thời là nhà giám tuyển cho cuốn sách Vietnam Eye: Contemporary Vietnamese Art (Cái nhìn VN: Nghệ thuật VN đương đại) do Nhà xuất bản Skira (Ý) phát hành, đã nhìn nhận: “Nghệ thuật đương đại VN đang ngày càng được quan tâm hơn. Thế giới luôn muốn biết những điều đang thực sự diễn ra tại một trong những nền nghệ thuật thú vị nhất hiện nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.