Trong đó có sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Walmart, Carrefour, Aeon...
Kết nối doanh nghiệp trong nước với những gã khổng lồ thế giới
Ngay sau lễ khai mạc triển lãm, buổi kết nối trực tiếp một - một giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước với đại diện các tập đoàn ngoại đã liên tục diễn ra.
Là một trong những đơn vị trao đổi với đại diện Walmart, bà Dương Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Tổng công ty may Nhà Bè, chia sẻ trước đây công ty cũng có thực hiện một số đơn hàng cho tập đoàn bán lẻ này nhưng thông qua các nhà phân phối trung gian. Vì vậy, cơ hội tiếp xúc trực tiếp tại VN lần này nhằm tìm kiếm thêm cơ hội cung cấp đơn hàng trực tiếp cho Walmart - nhà phân phối lớn ở Mỹ. Cơ hội trao đổi một - một khiến nhiều DN trong nước hy vọng sẽ có thêm nhiều quan hệ đối tác mới.
Tương tự, ông Phan Quốc Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần XNK thương mại Blue Ocean, cho hay một trong những thế mạnh của công ty là xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, bưởi, vú sữa… vào thị trường Mỹ và Úc với sản lượng khoảng 50 tấn/tháng. Ngoài ra, công ty cũng đang xây dựng nhà máy chế biến rau quả đông lạnh với công suất 300 tấn thành phẩm/tháng. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối quý 1/2024, tập trung chế biến các sản phẩm như: sầu riêng, bơ, chanh dây, rau củ, khoai lang… để xuất khẩu.
Hiện nay nhu cầu của thị trường thế giới với rau quả nhiệt đới rất cao. VN là nước có thế mạnh trong lĩnh vực này. Về chất lượng, trái cây nhiệt đới của VN rất tuyệt vời, không thua bất cứ nơi nào. Quan trọng hơn, trong những năm gần đây, bà con nông dân VN đã có cải thiện rất lớn trong quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn, không tồn dư hóa chất.
Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa "Viet Nam International Sourcing Expo" 2023 diễn ra tại TP.HCM và kéo dài từ ngày 13 - 15.9. Năm nay, sự kiện ghi nhận quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới với sự góp mặt của Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển); LuLu (UAE)... cùng hàng trăm DN, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Chúng tôi đến với diễn đàn lần này để giao lưu, tìm kiếm thêm khách hàng và hy vọng có thể tiếp tục phát triển thị trường để trở thành một trong những nhà cung cấp lớn cho các chuỗi phân phối quốc tế", ông Phan Quốc Nam nói.
Ở chiều ngược lại, ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch cấp cao Walmart, thông tin từ năm 2013, Walmart thành lập văn phòng tại TP.HCM. Tập đoàn xem VN là trung tâm nguồn cung ứng ở khu vực Đông Nam Á và cũng là một trong những thị trường cung ứng quan trọng nhất trên phạm vi toàn cầu.
"Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm VN không chỉ vào thị trường Mỹ mà phạm vi toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của VN bao gồm may mặc, hàng điện tử, rau quả, thực phẩm. Bên cạnh đó, VN có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa như: giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi, xoài, sầu riêng và dừa. Chúng tôi mong muốn được nói chuyện với nhiều người trong số các nhà cung cấp và khám phá các cơ hội tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ VN. Đại dịch Covid-19 và các vấn đề địa chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sự kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng để kết nối, xây dựng và phát triển lại chuỗi cung ứng", ông Avaneesh Gupta chia sẻ thêm.
Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing
Giữa hàng trăm đơn vị tham gia triển lãm chuỗi cung ứng hàng hóa mà chủ yếu là hàng tiêu dùng, gian hàng của Hội Cơ khí - Điện TP.HCM khiêm tốn nhưng lại gây được sự chú ý với khách tham quan.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết lần này các DN trong hội cùng tham gia một gian hàng vì muốn có cơ hội giới thiệu, tiếp xúc với Boeing. Dù chưa biết các DN có đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn này hay không nhưng trước hết đó là việc đặt cơ sở cho quan hệ trực tiếp, giới thiệu năng lực của DN.
Tại hội thảo "Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghệ - năng lượng Mỹ" diễn ra cùng ngày trong khuôn khổ triển lãm, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, cho biết nhiều DN trong nước đã có tham gia cung cấp với nhiều DN nước ngoài như Samsung hay Panasonic… Hay như việc một số công ty đã làm được linh kiện trong các tuabin cho những cánh quạt điện gió. Dù số lượng mới nhỏ, nhưng biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với sản phẩm mà DN cơ khí làm ra trước đó. Vì vậy, bà cho rằng tất cả DN chế biến chế tạo đều kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn thế giới, kể cả DN vừa và nhỏ trong các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, nhựa cao su…
Chia sẻ tại hội thảo, ông Maximie Dourdan, Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc của Tập đoàn Boeing, cho hay từ tháng 7.2021, tập đoàn đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội, tập trung phát triển chuỗi cung ứng nhiều hơn ở VN. Năm 2022, tập đoàn này đã tổ chức diễn đàn chuỗi cung ứng với nhiều DN trong nước và đánh giá thành công. VN là thị trường quan trọng của tập đoàn và ngay tại trụ sở tập đoàn đã có những phòng ban, vị trí chuyên trách để hỗ trợ các đối tác ở VN. Theo ông, ngành hàng không dự phóng trong 20 năm tới, số lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng cao và các hãng bay cần hơn 42.000 máy bay mới.
Cơ hội lớn của VN
VN đang có cơ hội lớn để trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có tầm nhìn dài hạn. Trước mắt, DN phải sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi, tăng tốc… theo sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Hiện nay, Decathlon đang tìm kiếm những nhà cung cấp có khả năng tự chủ đặc biệt là về nguyên liệu. Bên cạnh đó, chúng ta phải sử dụng dữ liệu và số hóa để nâng cao hiệu quả, tính linh hoạt và độ tin cậy. Chuyển đổi số là vấn đề cấp bách đối với các nhà cung cấp VN. Một điều quan trọng nữa là trong bối cảnh hiện tại có rất nhiều thứ không chắc chắn nên thời gian sản xuất ngắn, giao hàng nhanh sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn.
Ông Lionel Adenot (Giám đốc Decathlon VN)
Đi kèm việc mua máy bay mới là phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay một số linh kiện… sẽ tạo ra một thị trường với giá trị khổng lồ. Để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc máy bay, Boeing sẽ cần phải mua 300 thành phần, nguyên phụ liệu. Chuỗi cung ứng của Boeing trên toàn cầu đang có 11.000 nhà cung cấp. Trong đó hơn 200 nhà cung cấp ở châu Á và đang gia tăng; 9.500 từ Mỹ.
Sau đại dịch Covid-19, tập đoàn nhận ra có nhiều nhà cung cấp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị suy giảm về năng lực tài chính hay quản lý vận hành. Vì vậy trong lúc vẫn duy trì quan hệ đối tác với nhà cung cấp hiện có, nhưng Boeing cũng muốn đa dạng hóa, mở rộng hơn nữa số lượng nhà cung ứng ngoài Mỹ. Những lĩnh vực mà họ tìm đơn vị có thể cung cấp gồm những cấu phần chính của thân máy bay, cánh, cửa, điều khiển máy bay; cung cấp dịch vụ quản lý nguyên vật liệu, hệ thống, kỹ thuật; hệ thống thủy lực, bánh lái và thắng; nguyên vật liệu phụ, kim loại, hệ thống tuabin; cung cấp nội thất bên trong máy bay như hệ thống cabin, ghế ngồi cho khách…
"Chúng tôi mong muốn phát triển nhà cung cấp mới, trực tiếp cho Boeing. Chúng tôi đã tìm kiếm nhà cung cấp mới tại VN trong 2 năm vừa qua và vẫn đang tiếp tục", ông Maximie Dourdan chia sẻ thêm.
Rất khó nhưng vẫn sẵn sàng đáp ứng
Không chỉ trong lĩnh vực chế tạo, hàng không, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang là xu hướng được thế giới quan tâm và thúc đẩy phát triển, ứng dụng. Đây là thị trường có thể tạo ra giá trị rất lớn vì liên quan đến tất cả lĩnh vực.
Sản phẩm VN chất lượng ngày càng tốt
Trong 3 thập niên qua, VN đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển sản xuất từ nguyên liệu thô thành các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao. Các sản phẩm xuất xứ VN chất lượng ngày càng tốt có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên toàn thế giới. Nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail đang tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại VN. Những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của VN được canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững có thể truy xuất nguồn gốc sẽ là những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm. Trong những năm gần đây, lượng hàng hóa thu mua hàng từ VN đạt giá trị trên 100 triệu USD/năm.
Ông Olivier Langlet (Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail VN)
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN (AmCham) ở Hà Nội, cho hay đã có nhiều tập đoàn năng lượng Mỹ hoạt động ở VN. Hiệp hội thật sự mong muốn xây dựng được một chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới và tin cậy được từ nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Có nhiều tập đoàn Mỹ muốn đầu tư phát triển ở VN và họ cần được tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, môi trường thân thiện. Cần có những đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ và các DN tư nhân vì cùng mong muốn phát triển hơn nữa lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nếu thuận lợi, từ nay đến năm 2030 có thể có hàng chục tỉ USD được đầu tư vào VN. Quan trọng là VN phải có sự cải thiện chính sách nhanh hơn.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, các DN đã biết để tham gia chuỗi cung ứng của những tập đoàn thế giới thì phải đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, tài chính, nhân lực… bởi những năm qua cũng đã có tham gia vào chuỗi cung ứng cho nhiều ông lớn sản xuất tại VN. Chẳng hạn với lĩnh vực hàng không như Tập đoàn Boeing thì có thể tiêu chuẩn chất lượng, quy định cao hơn sẽ là cái khó hơn đối với nhiều DN Việt. Tuy nhiên, nếu Boeing thật sự muốn tìm nhà cung cấp ở VN thì DN trong nước luôn sẵn sàng.
Trên thực tế, vẫn có một số điểm DN Việt chưa thể cạnh tranh được với các đơn vị từ Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng vẫn có một số ưu điểm. Chẳng hạn những sản phẩm được sản xuất có yêu cầu kết hợp giữa người và máy hiện là lợi thế của các công ty VN; nhất là về chi phí. Do đó, bà Bình cho rằng DN cần có thêm hỗ trợ kết nối từ Chính phủ cũng như các đối tác lớn như Boeing vì DN trong nước cũng là khách hàng của chính các tập đoàn này.
Bình luận (0)