WEF cảnh báo 'làn sóng tự động hóa và robot' đe dọa nền kinh tế

27/09/2017 19:35 GMT+7

Báo cáo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về cạnh tranh toàn cầu cảnh báo rằng kinh tế thế giới vẫn chịu rủi ro gánh thêm nhiều cú sốc, và chưa chuẩn bị kỹ cho “làn sóng tự động hóa và robot”.

Theo CNBC, Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu 2017 của WEF vừa được công bố hôm nay 27.9 đánh giá nhiều yếu tố thúc đẩy năng suất và sự giàu có của một nước, chẳng hạn như tổ chức, cơ sở hạ tầng, giáo dục, đổi mới, hiệu quả thị trường lao động. Báo cáo cho thấy sự khác biệt rõ rệt của các nền kinh tế thế giới.
“10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, triển vọng phục hồi kinh tế bền vững vẫn chịu nguy cơ do thất bại của một phần giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra nhiều cải cách cần thiết để củng cố năng lực cạnh tranh và tăng năng suất”, WEF viết.
Năm 2017, báo cáo cho thấy Thụy Sĩ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, liền sau là Mỹ, Singapore, Hà Lan, Đức, đặc khu Hồng Kông, Thụy Điển, Anh, Nhật Bản và Phần Lan.
Margareta Drzeniek-Hanouz, người đứng đầu bộ phận Tiến bộ Kinh tế tại WEF, cho biết bảng xếp hạng năm nay không đem lại nhiều ngạc nhiên và nhiều nền kinh tế chưa nỗ lực cải cách cơ cấu đủ để tăng sự cạnh tranh.
“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ và lãi suất thấp trong những năm gần đây, vì vậy chúng ta không thấy nhiều tiến bộ về năng suất. Chúng ta cần nhìn thấy năng suất tăng để tăng trưởng tiếp tục đi lên”, bà Drzeniek-Hanouz nói.
Đa phần các nước thuộc nhóm BRICS, gồm Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, không có năng lực cạnh tranh ấn tượng. Đại lục lại đứng vị trí thứ 27, trong khi Nga, Ấn Độ lần lượt ở vị trí thứ 38, 40. Nam Phi đứng hạng 61 còn Brazil đứng hạng 80. Có nhiều sự khác biệt giữa thứ hạng của các nước Bắc Âu và Nam Âu, trong đó có Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp.
Báo cáo nhấn mạnh ba yếu tố đáng quan tâm là sức mạnh của hệ thống tài chính, việc thiếu tính linh hoạt trong thị trường lao động, sự mất cân đối giữa các khoản đầu tư vào công nghệ và nỗ lực áp dụng công nghệ trong nền kinh tế.
WEF thúc giục chính phủ các nước tạo thị trường lao động linh hoạt hơn trong kỷ nguyên tự động hóa và robot. Nhà sáng lập kiêm chủ tịch WEF Klaus Schwab cho hay: “Nhân tài sẽ ngày càng quan trọng hơn so với vốn và vì thế, thế giới sẽ tiến từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa nhân tài. Các nước đang chuẩn bị cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời tăng cường hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội trong tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.