WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi

10/04/2024 17:27 GMT+7

Tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp do tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em giảm, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 30 lần

"Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh" được Bộ Y tế tổ chức chiều nay 10.4 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và các đơn vị y tế.

Theo Bộ Y tế, bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã khiến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em giảm, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.

Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiêm chủng không đạt là nguyên nhân gia tăng một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin như sởi, ho gà

Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiêm chủng không đạt là nguyên nhân gia tăng một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin như sởi, ho gà

LIÊN CHÂU

Đáng lưu ý, WHO gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại châu Âu, số ca mắc bệnh này năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Với bệnh ho gà, năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc, tăng 111,5% so với năm 2021. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Anh, Philippines...

Bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở châu Mỹ. Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Việt Nam lo ngại bệnh truyền nhiễm bùng phát dịch lớn

Đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại  Việt Nam, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết,  trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc, đã bắt đầu có xu hướng tăng.

Cụ thể: bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM.

Đồng thời, một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như: bệnh tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; bệnh sốt xuất huyết hàng năm ghi nhận số mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hàng chục trường hợp tử vong. 

Mới đây cũng ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 tại tỉnh Tiền Giang.

Bộ Y tế nhận định, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn.

Sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi.

WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi- Ảnh 2.

Tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ từ 95% giúp kiểm soát nguy cơ bùng dịch

LIÊN CHÂU

Sởi cũng là một bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng nước và tỷ lệ tiêm chủng.

Virus gây bệnh sởi lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.

(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.