WHO chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA cho Việt Nam

24/02/2022 16:35 GMT+7

Việt Nam sẽ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia.

Công bố này được WHO đưa ra trong họp báo ngày 23.2, tại Geneva.

Buổi họp báo ngày 23.2 của WHO

Bộ Ngoại giao

Buổi họp báo có sự tham dự và phát biểu cả trực tiếp và trực tuyến, của Tổng giám đốc WHO, bộ trưởng của các nước Hàn Quốc, Argentina, Indonesia, Serbia và Việt Nam.

Tại họp báo, WHO và Hàn Quốc thông báo việc thành lập Trung tâm Đào tạo sản xuất sinh phẩm tại Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và phối hợp của Học viện WHO (trụ sở tại Lyon, Pháp) nhằm tổ chức đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình muốn sản xuất sinh phẩm, chẳng hạn như vắc xin, insulin, kháng thể đơn dòng và các phương pháp điều trị ung thư.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Một trong những rào cản chủ yếu đối với chuyển giao công nghệ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và hệ thống quản lý yếu kém. Do đó, xây dựng những kỹ năng đó sẽ đảm bảo rằng họ có thể sản xuất các sản phẩm y tế mà họ cần với tiêu chuẩn chất lượng tốt để họ không còn phải chờ đợi ở cuối hàng”.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sự tin tưởng khi tham gia sáng kiến này Việt Nam có thể sản xuất vắc xin mRNA trên quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin.

Công nghệ vắc xin mRNA là công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin an toàn và hiệu quả cao như Moderna, Pfizer ngừa Covid-19; cho phép cập nhật với các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn, do đó, không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống Covid-19 mà còn giúp chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.

Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vắc xin quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vắc xin mRNA phòng Covid-19 và các bệnh khác trong tương lai, qua đó sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vắc xin ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực.

Trước đó, WHO đã công bố 6 nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA tại châu Phi là Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tunisia; 2 nước tiếp nhận tại Mỹ La-tinh là Argentina và Brazil.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.