WHO: Cô đơn là mối đe dọa sức khỏe cấp bách toàn cầu

16/11/2023 18:28 GMT+7

Sức tàn phá của cô đơn có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, và thậm chí còn vượt xa những nguy cơ liên quan béo phì và lười vận động.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa quyết định đưa "tình trạng cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu.

Tờ The Guardian đưa tin WHO hôm 15.11 đã thành lập ủy ban quốc tế về vấn đề này. Theo đó, Ủy ban về Kết nối Xã hội được quản lý bởi đội ngũ gồm 11 thành viên, đứng đầu là Tiến sĩ - Bác sĩ người Mỹ Vivek Murthy và đặc phái viên thanh niên của Liên minh châu Phi Chido Mpemba. Dự kiến, cơ quan trực thuộc WHO sẽ hoạt động trong 3 năm.

Dựa trên đánh giá của WHO, tình trạng cô đơn xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hàng loạt hoạt động kinh tế và xã hội, làm gia tăng mức độ cô độc của nhiều người. Vấn đề này cũng được chú ý nhiều hơn khi ngày càng nhiều người nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.

WHO tuyên bố 'cô đơn' là mối đe dọa sức khỏe cấp bách toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

SHUTTERSTOCK

"[Cô đơn] vượt qua các giới hạn và đang trở thành mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe, phúc lợi và sự phát triển", theo đặc phái viên Mpemba.

Trong khi đó, bác sĩ Murthy so sánh những rủi ro về sức khỏe do tình trạng cô đơn gây ra có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, và thậm chí còn vượt xa những nguy cơ liên quan béo phì và ít hoạt động thể chất.

Cô đơn góp phần khiến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi tăng 50%, đồng thời dẫn đến rủi ro mắc bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ. Theo ông Murthy, ở tất cả khu vực trên thế giới, cứ 4 người lớn tuổi thì có 1 người phải sống trong cô độc.

Ngoài ra, cô đơn cũng tàn phá cuộc sống của những người trẻ. Theo các báo cáo The Guardian thu được, ở châu Phi, 12,7% thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn, cao gấp đôi so với 5,3% ở châu Âu .

Những người trẻ cảm thấy cô độc ở trường học có nhiều khả năng bỏ học đại học, dẫn đến thu nhập thấp. Ngoài ra, cảm giác bị tách biệt và không được hỗ trợ trong công việc có thể kéo giảm đáng kể hiệu suất công việc. Việc thiếu một số loại kết nối xã hội nhất định có thể làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm và tự tử.

"Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến 1 quốc gia. Đây là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhưng đang bị đánh giá thấp", bác sĩ Murthy cho hay.

Theo đài CNN, "tâm bệnh" cô đơn gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong lĩnh vực y tế công cộng. Tuần trước, bang New York (Mỹ) đã chọn bác sĩ trị liệu Ruth Westheimer làm đại sứ cô đơn đầu tiên của bang. Vào năm 2018, Anh cũng bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên của nước này để đối phó tình trạng cô độc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.