Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ dự án trên nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển có thể tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 sau khi nhóm quốc gia giàu có đã mua gần hết nguồn cung vắc xin năm nay.
Tháng 10 năm ngoái, hãng Moderna cho hay sẽ không áp dụng các quy định liên quan đến bằng sáng chế vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian dịch bệnh, làm dấy lên hy vọng rằng các công ty có thể sao chép công thức để sản xuất và từ đó tăng mạnh nguồn cung vắc xin cho thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó điều chế một vắc xin trong tình trạng thiếu thông tin từ nhà sản xuất gốc, và trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi do WHO hậu thuẫn cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Moderna kể từ khi được thành lập vào tháng 6.
“Nỗ lực đàm phán vẫn chưa có kết quả”, Reuters dẫn lời ông Martin Friede, nhà điều phối Sáng kiến Nghiên cứu Vắcxin của WHO.
Moderna không bình luận về thông tin trên.
Trường hợp trên phản ánh thách thức mà WHO đang phải đối mặt trong chiến dịch mở rộng phạm vi sản xuất vắc xin nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.
Hơn ¾ trong tổng số 5,5 tỉ liều vắc xin Covid-19 của thế giới đã được vận chuyển đến các nước thu nhập cao và trên trung bình, vốn chiếm chỉ hơn 1/3 dân số toàn cầu.
Hiện chỉ có 3% dân số châu Phi được tiêm ít nhất một mũi, so với hơn 50% ở Mỹ, và ¾ dân số Tây Ban Nha.
Ngay cả khi trung tâm sản xuất ở Nam Phi có thể tự xoay xở mà không cần sự hỗ trợ của Moderna, phải mất hơn một năm trước khi các nước nghèo có thể tiếp cận nguồn vắc xin vì những cuộc thử nghiệm lâm sàng dòng vắc xin này chỉ được khởi động vào nửa cuối năm sau, theo ông Friede.
Vào tháng 5, Mỹ cho hay sẽ ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cho các dòng vắc xin Covid-19 để sớm chấm dứt dịch bệnh.
Thế nhưng, ý tưởng trên vấp phải sự phản đối của các hãng dược, với lý do rằng họ cần phải giám sát bất kỳ việc chuyển giao công nghệ nào do quy trình điều chế và sản xuất vô cùng phức tạp.
Pfizer và đối tác BioNTech lần lượt ký thỏa thuận vào tháng 7 với hãng Biovac ở Nam Phi để hỗ trợ sản xuất 100 triệu liều vắc xin cho châu Phi. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ dừng lại ở giai đoạn “chiết vào lọ và đóng gói”, tức công đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất.
Bình luận (0)