WHO kêu gọi thỏa thuận ứng phó các đại dịch tương lai

05/05/2024 06:30 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đang kêu gọi các nước cần thống nhất một thỏa thuận toàn cầu nhằm ứng phó các đại dịch trong tương lai, khi các bên sắp bước vào tuần đàm phán cuối.

Theo AFP, các nước thành viên WHO trong 2 năm qua soạn thảo một thỏa thuận quốc tế về đề phòng, chuẩn bị và đối phó đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đều đã phải kéo dài thêm và sắp kết thúc.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước đạt thỏa thuận về ứng phó dịch bệnh

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước đạt thỏa thuận về ứng phó dịch bệnh

AFP

Ngày 6.5 tới, các nước sẽ bước vào tuần thứ 2 trong phiên thảo luận kéo dài 2 tuần tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), cố gắng phá vỡ thế bế tắc về các vấn đề như sự tiếp cận công bằng đối với vắc xin và cách chia sẻ dữ liệu về những mầm bệnh mới xuất hiện. 

Sau 5 ngày thảo luận, ông Tedros thừa nhận rằng thỏa thuận quá cụ thể với nước này thì lại chưa đủ cụ thể với nước khác, quá mạnh mẽ đối với nước này thì lại quá yếu so với nước khác. Tuy nhiên, ông kêu gọi những bên phản đối cần tránh ngăn các nước đạt một thỏa thuận chung. "Tôi có một đề nghị đơn giản, vui lòng hoàn thành việc này. Tôi nhận thấy rằng có thể có những phái đoàn dù đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể tham gia vào sự đồng thuận, nhưng họ có quyền lựa chọn không cản trở sự đồng thuận", ông kêu gọi.

Toàn bộ 37 điều khoản của dự thảo thỏa thuận lần lượt được đưa ra, trong đó các nhà đàm phán của từng quốc gia sẽ chia thành các nhóm làm việc để cố gắng tìm sự đồng thuận. Một điều khoản đầu tiên được hoàn tất vào tối 3.5, với nội dung ngắn gọn về tăng cường truyền thông và nhận thức của công chúng. 

Đảng Cộng hòa điều tra nghi vấn tổ chức Mỹ dính líu nguồn gốc Covid-19

Bà Precious Matsoso, giảng viên danh dự tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi) và là đồng Chủ tịch Ủy ban Đàm phán liên chính phủ về thỏa thuận, cho rằng các nước "bắt đầu tìm thấy nhau" với một số điều khoản tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng "cánh cửa cơ hội đang khép lại". Bất đồng chủ yếu xoay quanh khả năng tiếp cận, bao gồm việc tiếp cận đối với mầm bệnh được phát hiện và đối với các sản phẩm phòng chống dịch như vắc xin sản xuất dựa trên hiểu biết đó.

 Ngoài ra, các bên chưa thống nhất về việc phân phối công bằng không chỉ với các biện pháp xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng mà còn với các phương tiện sản xuất ra chúng. Mục tiêu của đàm phán là nhằm đạt thỏa thuận trước ngày 10.5 để thông qua tại hội nghị thường niên các thành viên WHO bắt đầu từ ngày 27.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.