WHO: Nên kiểm tra thính giác thường xuyên kẻo sắp điếc mà không hay

07/03/2019 13:47 GMT+7

WHO ước tính, năm 2050, khoảng 1 tỉ người, tức cứ 10 người thì có 1 người gặp vấn đề về thính giác. Trong khi đó, mất thính lực liên quan đến trầm cảm, lòng tự trọng thấp, mất trí nhớ, giảm khả năng vận động...

Theo United Nations News, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hiện đang có khoảng 466 triệu người bị mất thính lực và dự đoán đến năm 2050 con số đó sẽ tăng gần gấp đôi, khoảng 1 tỉ người, tức cứ 10 người thì 1 người bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về thính giác. Chi phí tiêu tốn vào giải quyết mất thính lực khoảng 750 tỉ USD.
Tiến sĩ Shelly Chadha, cán bộ kỹ thuật của WHO, nói rằng "một khi đã mất, thính giác sẽ không quay trở lại”. Mất thính giác không được điều trị có thể dẫn đến sự cô lập và có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, mất trí nhớ, giảm khả năng vận động...
Do vậy, với chủ đề Ngày Thính giác Thế giới năm 2019 - “Hãy kiểm tra thính lực của bạn” (nguyên văn: Check your hearing!), WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định và can thiệp sớm đối với mất thính giác. Rất nhiều người đang sống chung với suy giảm thính lực mà không nhận ra nên WHO đã ra mắt ứng dụng HearWHO, cho phép mọi người tự kiểm tra thính lực, theo businessghana
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng khuyến cáo trên trang web chính thức các biện pháp ngăn ngừa suy giảm và mất thính lực. Cụ thể như sau:
1. Tránh tiếng ồn lớn
Tiếng ồn lớn đủ để làm hỏng thính giác của bạn nếu:
- Bạn phải lên tiếng để nói chuyện với người khác.
- Bạn không thể nghe thấy những gì mọi người gần đó đang nói.
- Nó làm đau tai bạn.
- Bạn cảm giác có tiếng chuông trong tai.
Bất kỳ âm thanh nào trên 85dB đều có thể gây hại. Có thể dùng ứng dụng điện thoại để đo mức độ tiếng ồn. Để hình dung môi trường xung quanh ồn như thế nào, xin đưa ra một số ví dụ:
- Thì thầm - 30dB
- Nói chuyện bình thường - 60dB
- Tiếng ồn giao thông (ở Anh) - 70 đến 85dB
- Xe máy - 90dB
- Nghe nhạc bằng tai nghe bật âm lượng tối đa - 100 đến 110dB
- Máy bay cất cánh - 120dB
2. Cẩn thận khi nghe nhạc
Nghe nhạc lớn qua tai nghe là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với thính giác. Tránh làm hỏng thính giác khi nghe nhạc bằng cách:
- Sử dụng tai nghe chống ồn chứ đừng chỉ tăng âm lượng để che đi tiếng ồn bên ngoài.
- Không nghe nhạc ở mức hơn 60% âm lượng tối đa.
- Không sử dụng tai nghe hơn một giờ mỗi lần, nghỉ ngơi ít nhất 5 phút mỗi giờ.
3. Bảo vệ thính giác khi dự sự kiện
Tham gia hoạt động tại câu lạc bộ đêm, các sự kiện thể thao, lễ hội âm nhạc… cần:
- Tránh xa các nguồn gây ồn ào nhất (như đứng bên cạnh loa).
- Cố gắng nghỉ ngơi khỏi tiếng ồn cứ sau 15 phút.
- Cho thính giác khoảng 18 giờ để phục hồi sau khi tiếp xúc tiếng ồn như thế.
- Xem xét việc đeo nút tai để giảm âm lượng thực tế.
4. Thận trọng trong môi trường làm việc
Nếu chỗ làm quá ồn, hãy nói chuyện với bộ phận nhân sự. Chủ lao động có nghĩa vụ thực hiện các thay đổi để giảm mức độ tiếp xúc với tiếng ồn lớn cho bạn. Ví dụ, bằng cách:
- Chuyển sang nơi yên tĩnh hơn nếu có thể.
- Đảm bảo bạn không tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài.
- Cung cấp dụng cụ bảo vệ thính giác, như nút bịt tai.
5. Kiểm tra thính giác
Làm bài kiểm tra thính giác càng sớm càng tốt nếu bạn lo lắng mình có thể bị mất thính lực. Bình thường, xem xét kiểm tra thính giác mỗi năm một lần. Nếu bạn có nguy cơ bị mất thính lực cao hơn (là nhạc sĩ hoặc làm việc trong môi trường ồn ào) thì tần suất kiểm tra nhiều hơn.
Được biết, Ngày Thính giác Thế giới tổ chức vào ngày 3.3 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức về cách ngăn ngừa điếc và giảm thính lực, thúc đẩy chăm sóc tai và thính giác trên toàn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.