WHO sa thải cựu trưởng nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19

04/05/2023 18:21 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3.5 cho biết họ đã sa thải một nhà khoa học cấp cao từng dẫn đầu phái bộ quốc tế đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc Covid-19, với cáo buộc quấy rối tình dục.

WHO sa thải cựu trưởng nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 - Ảnh 1.

Nhà khoa học người Đan Mạch Peter Ben Embarek

REUTERS

Theo WHO, nhà khoa học người Đan Mạch Peter Ben Embarek đã bị sa thải vào năm ngoái. "Peter Ben Embarek đã bị sa thải vào năm ngoái sau phát hiện về những hành vi tình dục sai trái của ông. Những hành vi đó đã được chứng minh thông qua các cuộc điều tra và quy trình kỷ luật tương ứng", Reuters dẫn lời người phát ngôn của WHO Marcia Poole.

Bà Poole cho biết các vụ việc dẫn đến quyết định sa thải ông Ben Embarek xảy ra vào năm 2015 và 2017. WHO lần đầu tiên biết về chúng vào năm 2018. Cơ quan này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các cáo buộc.

Vì sao WHO sa thải cựu trưởng nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19?

Trả lời Reuters, ông Ben Embarek cho biết ông bác bỏ cáo buộc quấy rối tình dục và đang khiếu nại quyết định sa thải. Ông nói một sự cố duy nhất trong năm 2017 "đã được giải quyết ngay lập tức một cách thân thiện". Ông cho biết ông không thể bình luận thêm vì cả ông và WHO đều bị ràng buộc bởi các thỏa thuận bảo mật cho đến khi đạt được giải pháp.

"Tôi không biết về bất kỳ khiếu nại nào khác và không có khiếu nại nào khác từng được thông báo cho tôi", ông Ben Embarek trả lời Reuters, cho biết ông tự tin về việc bảo vệ các quyền của mình.

Ông Ben Embarek là quan chức cấp cao nhất của WHO bị sa thải kể từ khi cơ quan này tiến hành một loạt cải cách nhằm cải thiện phản ứng đối với hành vi tình dục sai trái. Ông trước kia từng dẫn dắt sáng kiến "One Health" của WHO tập trung vào các bệnh lây từ động vật sang người, và thường được trích dẫn trên truyền thông về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Ông là trưởng đại diện của WHO trong chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2021 nhằm điều tra xem Covid-19 bắt nguồn từ đâu. Nhóm của ông đã gây chú ý trên toàn cầu với kết luận rằng dơi là vật chủ ban đầu có nhiều khả năng nhất. Họ cũng xác định việc rò rỉ vi rút từ một cơ sở thí nghiệm ở Trung Quốc là "rất khó xảy ra", bất chấp nhiều nhà khoa học kêu gọi điều tra khả năng đó.

Ông Ben Embarek sau đó tiết lộ nhóm ông đã phải đối mặt với một số áp lực chính trị, kể cả từ bên ngoài Trung Quốc, nhưng kết quả là không có nội dung nào trong báo cáo điều tra bị thay đổi. Ông không nói cụ thể những áp lực đó đến từ đâu.

WHO đã xem xét lại việc xử lý các trường hợp lạm dụng và hành vi tình dục sai trái sau khi một cuộc điều tra năm 2021 phát hiện ra rằng hàng chục nhân viên cứu trợ, bao gồm một số người từ WHO, đã tham gia vào các vụ lạm dụng tình dục trong cuộc khủng hoảng Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.