“Điều rõ ràng là cơ quan y tế địa phương và quốc gia Trung Quốc lẽ ra đã có thể áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn vào tháng 1.2020”, Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch (IPPR) của WHO kết luận trong báo cáo mới công bố.
Theo Reuters, IPPR có chức năng đánh giá công tác ứng phó đại dịch trên toàn cầu, gồm nhiều chuyên gia do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu. Ủy ban được thành lập và bắt đầu làm việc từ tháng 7.2020 sau khi các nước thành viên WHO kêu gọi đánh giá độc lập, minh bạch việc ứng phó Covid-19.
Qua đánh giá thời điểm dịch bệnh mới bùng phát tại Trung Quốc, IPPR cho rằng có những dấu hiệu ban đầu lẽ ra đã có thể giúp nhà chức trách hành động nhanh chóng hơn.
Ủy ban cho rằng số ca nhiễm bệnh đã bị báo cáo thiếu sót từ lúc dịch bùng phát. “Rõ ràng là lượng ca nhiễm trong giai đoạn đầu của dịch bệnh tại tất cả các nước là cao hơn so với báo cáo. Một phần lớn người nhiễm âm thầm gây lây lan ra toàn cầu”, IPPR cho biết.
IPPR chỉ trích WHO vì chậm trễ trong thời gian đầu của dịch bệnh, khi triệu tập ủy ban khẩn cấp vào ngày 22.1.2020 và ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu vào một tuần sau đó.
IPPR cho rằng WHO và giới chức y tế các nước đã chậm trễ trong việc cảnh báo virus có thể lây từ người sang người. “Khi xuất hiện bằng chứng lây lan từ người sang người tại nhiều nước, tín hiệu này đã bị ngó lơ”, IPPR thông báo.
Ủy ban cũng cho rằng WHO đáng ra nên sử dụng từ "đại dịch" sớm hơn để các nước có thể nghiêm túc hơn trong việc tập trung ứng phó với Covid-19. Đến ngày 11.3.2020, WHO mới coi Covid-19 là đại dịch.
IPPR kêu gọi cải tổ WHO và hệ thống y tế toàn cầu và cho biết sẽ đưa ra đề xuất trong báo cáo cuối cùng cho WHO vào tháng 5.
Trước khi có báo cáo này, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích kịch liệt WHO vì chậm trễ trong việc ứng phó với Covid-19 và cáo buộc tổ chức này là "con rối của Trung Quốc".
Bình luận (0)