Ngoài ra, nicotine (nếu có) trong dung dịch TLĐT thông thường sẽ được chiết tách từ thuốc lá hoặc có khi là nicotine tổng hợp.
Chính vì sự khác nhau này, WHO khuyến nghị việc quản lý hai sản phẩm này nên được tách biệt. Đặc biệt, vì là sản phẩm thuốc lá nên TLLN cần chịu sự điều chỉnh của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) hiện đang áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá.
WHO: Không nên nhầm lẫn thuốc lá làm nóng với thuốc lá điện tử
Mặc dù TLLN và TLĐT đều là những sản phẩm thuốc lá mới, nhưng mức độ phức tạp của hai sản phẩm này khác nhau. TLLN là sản phẩm đơn giản từ cách dùng cho tới nguyên liệu. Cụ thể, nguyên liệu TLLN giống thuốc lá điếu: bao gồm thân, cây, lá thuốc lá. Điểm khác biệt của sản phẩm này so với thuốc lá điếu thông thường đó là, thay vì phải trực tiếp đốt điếu thuốc để hút, thì TLLN chỉ cần bật thiết bị điện tử để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong điếu thuốc đặc chế. Chính vì có cấu tạo đơn giản nên TLLN chỉ có một cách sử dụng duy nhất, người dùng khó có thể tùy biến nguyên liệu đã được thiết kế mặc định từ nhà sản xuất. Một trong những công ty cung cấp TLLN đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua kiểm định cho biết, thiết kế sản phẩm tinh gọn giúp tránh nguy cơ người dùng tùy biến sản phẩm sai mục đích ban đầu.
Trong khi đó, muốn sử dụng TLĐT bắt buộc phải sử dụng dung dịch tinh dầu. Theo WHO thống kê, đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 20.000 loại tinh dầu với nhiều hương vị khác nhau. Bên cạnh đó, thiết bị điện tử để làm hóa hơi dung dịch này cũng có nhiều cơ chế vận hành. Có loại cho phép thêm các tinh dầu ngoài loại do nhà sản xuất cung cấp (loại tái sử dụng), cũng có loại chỉ dùng tinh dầu có sẵn đi kèm, hoặc có loại chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ.
Ngay cả tên gọi cho TLĐT trên thị trường cũng đa dạng. Cụ thể, đã có nhiều loại sản phẩm TLĐT quen thuộc hiện nay xuất hiện trên thị trường có tên gốc là vape, pod, e-cigarettes... Thêm một yếu tố quan trọng mà WHO cảnh báo đó là khả năng điều chỉnh nhiệt độ của TLĐT, điều này sẽ làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với chất độc hại lên cơ thể cao hơn.
WHO cũng nhấn mạnh, sự phát triển về kiểu dáng và các đặc tính của TLĐT sẽ không dừng ở đó mà ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Do vậy, tổ chức này cho rằng hệ thống quản lý sẽ khó theo kịp với tốc độ phát triển của sản phẩm.
Luật hiện hành chưa bao hàm quy định về các sản phẩm tinh dầu
Kể từ năm 2008, các kỳ họp Hội nghị Các bên (COP) quốc gia thành viên của WHO cùng thảo luận về Công ước FCTC, trong đó có đề cập đến việc ứng xử như thế nào đối với TLLN, TLĐT từ rất sớm. Theo đó, ngay từ COP8 (năm 2018) WHO đã xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá nên phải đưa vào kiểm soát dưới luật hiện hành của mỗi quốc gia, đồng thời cũng chịu sự điều chỉnh của FCTC. Trong khi đó đối với TLĐT, WHO nêu rõ: Nếu việc không thể ngăn chặn sự hiện diện, thì cần quản lý để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thay vì buông lỏng, thiếu chế tài cụ thể.
Theo đó tại Việt Nam, luật hiện hành để áp dụng cho TLLN như WHO khuyến nghị chính là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã được thông qua từ năm 2012. Định nghĩa của Luật nêu rõ sản phẩm thuốc lá là những sản phẩm có cấu tạo toàn bộ hoặc một phần từ nguyên liệu thuốc lá (là thuốc lá dưới dạng sợi, tấm đã sơ chế) được sản xuất để dùng cho việc hút, nhai, ngửi… Tức có nghĩa, bất kỳ sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá thì đã phù hợp với sự điều chỉnh của luật. Mặt khác, cũng cho thấy luật chưa bao hàm những quy định quản lý cụ thể đối với các sản phẩm không có nguyên liệu thuốc lá như TLĐT.
Từ cơ sở đó, Bộ Công thương, cũng là đơn vị chủ quản của ngành, đã đề xuất Nghị định thay thế Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá để quy định rõ việc quản lý đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới khác nhau. Đề xuất này đã đạt được sự đồng thuận từ phần lớn các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... Việc sửa đổi bổ sung Nghị định 67 sẽ là cơ sở pháp lý tạo điều kiện xác định giữa TLLN, TLĐT, đâu là sản phẩm phù hợp để kiểm soát ngay dưới luật hiện hành, đâu là sản phẩm cần nghiên cứu thêm. Đặc biệt, tính phức tạp của TLĐT cũng sẽ là thách thức cho các cơ quan quản lý, vì đến nay luật chưa quy định quản lý dung dịch có và không có chứa nicotine như thế nào, đồng thời việc đo lường các hợp chất có trong dung dịch cũng là một bài toán lớn cần thêm thời gian để có lời giải.
Song song đó, các chuyên gia cũng nhận định, nếu WHO đã phân loại rõ ràng sự khác nhau của hai sản phẩm thuốc lá và khuyến nghị khung pháp lý quản lý riêng biệt thì không lý do gì để các cơ quan quản lý trì hoãn việc đưa những sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá như TLLN vào luật. Thực tế cho thấy, cho dù quyết định sau cùng của các cơ quan ban ngành đó là có đưa TLĐT vào quy định của luật hiện hành hay không, thì TLLN vẫn cần phải chịu sự kiểm soát của luật này.
Bình luận (0)