World Cup 2022: Doha, chạm vào một vạt xa hoa

25/11/2022 08:19 GMT+7

Tạm xa những cầu trường sôi động, tôi đã có khoảng thời gian chạm vào thế giới giàu có của Doha, của những tỉ phú Ả Rập.

“Anh đến Pearl Qatar chưa? Hãy đến đi để xem sự giàu có của Doha!”. Người giới thiệu cho tôi cái góc Doha thịnh vượng ấy là Mohamed Mousoof, một nhân viên công nghệ thông tin đến từ Sri Lanka.

Bến du thuyền, một góc giàu có của Hòn ngọc Qatar

Đỗ Hùng

Giữa hai thế giới cách biệt

Nằm về phía bắc Doha, Hòn ngọc Qatar (Pearl Qatar) là một đảo nhân tạo rộng chừng 4 km2, một kiểu tương tự Palm Jumeirah ở Dubai. Như chính tên gọi của nó, nơi đây là một phần của thế giới giàu có vô cùng của xứ sở này. Sau khi được xây dựng từ năm 2006, hiện nơi đây có khoảng 30.000 dân sinh sống, đa phần là giới siêu giàu và những người phục vụ cho thế giới giàu có nơi này.

“Anh nên đến đó, đẹp lắm. Đất nước này mới giàu lên gần đây thôi, nhưng Pearl Qatar là một thế giới mà chúng tôi không thể chạm tới”, Mousoof nói. Anh chàng 37 tuổi đến Qatar 3 năm trước để làm trong một công ty công nghệ. Mỗi tháng anh nhận 6.000 riyal tiền lương, tương đương đâu đó khoảng 40 triệu đồng. “Tôi thuê nhà hết 2.500 riyal, gần phân nửa tiền lương rồi”, Mousoof giải thích, và còn cho biết vợ cùng cô con gái 3 tuổi của anh mới từ Sri Lanka sang cách đây hai tháng.

Đỗ Hùng từ Qatar: Bên trong thế giới bia rượu tại Qatar

“Ở quê nhà tôi đang khủng hoảng, đời sống cực kỳ khó khăn nên tôi đưa vợ con qua đây”, anh kể và cho biết cả gia đình sống nhờ 6.000 riyal tiền lương của anh. “Anh có tiền gửi về cho cha mẹ ở quê không?”, tôi tò mò. “Không có. Ngay cả cuộc sống của tôi ở đây còn khó khăn, nói gì tới chuyện gửi tiền”, anh nói, rồi đưa ra một sự tương phản về đời sống ở Doha để tôi dễ hình dung. “Anh biết không, một căn studio ở Hòn ngọc Doha có tiền thuê mỗi tháng gấp 3 lần tiền lương của tôi”. Studio là một căn hộ rất nhỏ, nơi người ta kết hợp cả bếp, phòng khách, phòng ngủ vào trong một không gian chung, thường dùng cho người độc thân hoặc gia đình trẻ ít thành viên.

Tác giả (giữa) và những người đàn ông Ả Rập tại Hòn ngọc Qatar

Buổi sáng không bóng đá, tôi đón chuyến tàu điện ngầm trên tuyến số 7 từ ga Msheireb đi ngược lên hướng Lusail ở phía bắc, tới ga Legtaifiya thì nhảy xuống. Tôi nhớ lời hướng dẫn hôm trước của anh chàng Mousoof, người mà tôi đã tình cờ gặp bên ngoài sân Ahmad bin Ali vào lúc rạng sáng sau trận đấu giữa Bỉ và Canada. “Tới đó anh hỏi người ta là sẽ biết đường ra Pearl Qatar”, Mohamed dặn. Khi vừa chui lên từ lòng đất, tôi đã gặp hai tình nguyện viên nồng nhiệt: “Anh đi Pearl Qatar à? Anh ra đằng kia đón xe”. Hai người giải thích rằng sở dĩ họ đoán được mục đích của tôi là bởi những ngày qua họ đã hướng dẫn cho rất nhiều người nước ngoài cách đi đến Hòn ngọc Qatar.

Xe chạy qua một cây cầu lớn, phía trước là những khối nhà cao nằm soi bóng bên những vịnh nước nhỏ, nơi du thuyền đậu san sát. “Đây là các khu căn hộ. Tôi không biết giá bao nhiêu, nhưng rất đắt”, bác tài xế bảo, còn đắt như thế nào thì thật khó định nghĩa, trước khi đỗ xe bên lề đường để tôi xuống đi bộ dọc bến du thuyền ở phía tây hòn đảo nhân tạo.

“Chào mừng anh đến Hòn ngọc Qatar”. Một người đàn ông trong bộ thobe Ả Rập truyền thống đứng trước quảng trường Qasr al Yasmine nơi có lối dẫn xuống bến du thuyền chào tôi. Người đàn ông này nhanh chóng tập hợp những người bạn của mình lại, vồn vã giới thiệu cho tôi về thế giới mà ông ta đang sống: “Đây là bến du thuyền. Có hàng trăm chiếc du thuyền như vậy ở đây. Kia là các khu biệt thự, không chỉ người Qatar mà còn có cả tỉ phú nước ngoài sở hữu biệt thự ở những nơi ấy”.

Pearl Qatar là khu bất động sản đầu tiên ở Qatar cho phép người nước ngoài sở hữu nhà. Để phát triển khu đô thị nằm trên đảo nhân tạo này, người ta phải dùng cát sa mạc để lấp biển, tạo nên các phần đất nổi, các vũng vịnh, kênh và các đảo nhỏ đan xen. Các hình ảnh chụp trên không cho thấy một hình thù kiến tạo tuyệt đẹp. Vốn đầu tư ban đầu dự tính là 2,5 tỉ USD, nhưng sau đó dự án không ngừng được mở rộng, đã tăng lên tới 15 tỉ USD. Tuy nhiên, chính sách cấm rượu bia ngặt nghèo của Qatar khiến bất động sản ở đây kém hấp dẫn đối với người nước ngoài, kể cả những người đầu tư lẫn người mua nhà để ở.

“Để tôi đưa anh tới xem khu vực này”, người đàn ông ban nãy, tự giới thiệu tên là Mohammed, lái chiếc Toyota Land Cruiser “phiên bản vùng Vịnh” chở tôi tới cuối đảo, nơi có phần nối dài được gọi là khu Isola Dana. Từ đây, có một chiếc cầu lớn dẫn qua một chùm đảo nhân tạo nhỏ được đắp giống hình xương cá, với xương sống ở giữa là trục đường chính, hai bên là những đảo nhỏ, mỗi đảo tương ứng một khu dinh thự rất lớn.

“Phía bên kia là khu vực tư nhân. Anh không thể sang đó”, Mohammad giới thiệu, và theo lời anh thì mỗi khu dinh thự trên các đảo nhân tạo đó “có giá nhiều chục triệu đô la”.

Hòn ngọc Qatar

Tên gọi Hòn ngọc Qatar gợi lên một thế giới xa hoa. Thực ra nó không đơn giản như vậy. “Hòn ngọc” ở đây là sự gợi nhắc về quá khứ Doha và đất nước Qatar, thời đại mà những người làm nghề lặn biển mò ngọc trai đã góp phần tạo nên sự thịnh vượng của vùng đất, trước cả khi dầu mỏ và khí đốt được tìm thấy. Qatar là một trong những trung tâm ngọc trai nổi tiếng của châu Á, cho tới khi người Nhật Bản giới thiệu các sản phẩm ngọc trai giá rẻ hơn.

Một con kênh trong Hòn ngọc Qatar, gợi nhớ tới hình ảnh Venice

đỗ hùng

Những người kiến tạo nên hòn đảo nhân tạo này đã nhìn về lịch sử ấy, và cố ý tạo nên một hòn đảo hình chuỗi ngọc trai, với điểm mút của nó là “bộ xương cá” Isola Dana mà tôi có dịp ghé tới vào buổi sáng đầy nắng ngày hôm qua. Đến nay, dù dự án phát triển này chưa hoàn tất như kế hoạch được đưa ra, nhưng nó đã trở thành một điểm nhấn của thành phố Doha, cửa ngõ để thế giới bên ngoài bước vào Ả Rập.

Buổi sáng ấy, cùng với tôi, có hàng ngàn cổ động viên bóng đá đến từ Nam Mỹ và châu Âu đã đổ về đây. Họ thích thú chụp ảnh trên bến cảng du thuyền, ngồi trong những quán cà phê vỉa hè mà thoạt nhìn cứ ngỡ như là đâu đó ở Paris hay Rome. Rồi họ lướt thuyền trên những con kênh đào xuyên đảo, cùng hình dung về một Venice của xứ Trung Đông. Vào mùa World Cup, Hòn ngọc Qatar khoác lên màu áo bóng đá, với quốc kỳ các nước tham gia World Cup được treo khắp nơi. Các công viên, và vườn hoa, những thứ hiếm hoi và quý giá ở xứ sở sa mạc khô cằn, cũng được trang trí đầy màu sắc bóng đá. Ở một vài nơi, có những ban nhạc truyền thống tấu lên những điệu nhạc mà nghe ra đầy mênh mang như đang lạc vào một miền sa mạc huyền bí. “Khác hẳn với Doha xô bồ ở bên kia, nơi đây sang trọng mà thật đẹp, thật thanh bình. Tôi tới đây để được xem một Doha giàu có”, anh Daniel Fernandez đến từ Ecuador nói với tôi, sau khi nhờ tôi chụp cho vài kiểu hình ưng ý trên bến cảng du thuyền.

Tôi trở về từ Pearl Qatar vào buổi trưa để đi xem những trận đấu vào chiều muộn, không quên gửi qua WhatsApp cho Mousoof những tấm hình tôi mới chụp trên bến du thuyền, để cảm ơn anh đã giới thiệu. Tôi đã đến đây, đã chạm vào một vạt giàu có của Doha, tôi gõ những dòng ngắn ngủi ấy gửi cho Mousoof. Anh đáp rằng thật vui khi tôi thích chuyến đi ấy. “Nhưng đó chỉ là một phần của Doha thôi. Thế giới giàu có vô tận của nơi đây còn nhiều lắm, tôi sẽ giới thiệu để anh khám phá”, Mousoof trả lời.

Tôi háo hức chờ sự giới thiệu của anh. Tôi cũng hiểu rằng, một phần của sự phồn thịnh nơi đây đến từ sự góp công của những lao động ngoại quốc như anh, lực lượng vốn chiếm hơn 90% dân số của đất nước nhỏ bé nhưng giàu có vô cùng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.