World Cup gần nhưng còn rất xa với châu Á

07/12/2022 08:52 GMT+7

World Cup diễn ra tại một địa điểm thuận tiện cho cả người hâm mộ châu Á lẫn châu Phi đến xem trực tiếp. Thế nhưng, cuộc chơi thực sự vẫn chưa dành cho hai châu lục này.

Buổi sáng hôm qua, tôi vừa thức dậy nơi khu nhà trọ Bin Mahmoud gần trung tâm Doha đã thấy anh người Nhật Bản ở giường bên cạnh loay hoay dọn dẹp đồ đạc. “Anh là phóng viên à?”, anh hỏi ngay khi thấy tôi ngồi dậy. Tôi gật đầu và anh lôi thẻ phóng viên ra. “Ồ, anh sẽ tác nghiệp tới cuối World Cup chứ?”, tôi hỏi. “Không, ngày mai tôi sẽ về lại Nhật Bản”, anh trả lời.

Khoảng cách về đẳng cấp vẫn còn, nhưng người Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở nên tự tin hơn

ĐỖ HÙNG

Hóa ra anh tới đây để đưa tin về đội tuyển Nhật Bản. Khi đội tuyển của anh rời cuộc chơi, anh cũng kết thúc nhiệm vụ của mình.

“Rất tiếc, nhưng có lẽ cần thêm thời gian để chúng tôi rút ngắn khoảng cách với các đội hàng đầu thế giới”. Anh nói trước khi đi loanh quanh thăm thú Doha chuẩn bị cho chuyến bay hồi hương sớm hơn mong muốn.

Lần đầu tiên nhưng chỉ có thế

World Cup 2022 là lần đầu tiên chứng kiến các đại diện châu Phi và châu Á cùng có mặt tại vòng 16 đội. Sự kiện lịch sử này được FIFA nêu bật như một bằng chứng cho thấy hai châu lục đông dân nhưng tụt hậu về bóng đá này đang dần rút ngắn khoảng cách với châu Âu và Nam Mỹ.

Điều đó, cùng với việc World Cup diễn ra tại Trung Đông mà về mặt địa lý thì rất tiện cho việc đi lại của người châu Á và châu Phi, thành ra càng củng cố ấn tượng rằng đây là một giải đấu của châu Á và châu Phi.

“Tôi đã mua vé xem bóng đá, vé máy bay và đặt phòng khách sạn từ lâu. Chưa bao giờ tôi thấy World Cup lại gần như thế”, anh Mohit Avnand, một cổ động viên đến từ bang Kerala của Ấn Độ, chia sẻ. Anh sinh sống tại Ấn Độ, nơi chỉ cách địa điểm tổ chức World Cup vài giờ bay qua Biển Ả Rập. Khi tới Doha, anh gặp rất nhiều đồng hương, bao gồm người từ Ấn Độ tới xem bóng đá và người Ấn Độ sinh sống tại Qatar, nên thành ra cảm giác “như ở nhà” lại càng đậm đà.

“Tôi thích chứng kiến các đội châu Á tiến xa tại World Cup, và đến nay thì mọi sự đang rất ổn”, Mohit nói với tôi, ấy là trước khi diễn ra vòng 16 đội. “Ở trên khán đài, tôi giương cao cờ Ấn Độ và cổ vũ cho các đội tuyển châu Á. Tôi muốn trong tương lai được chứng kiến đội tuyển Ấn Độ thi đấu ở World Cup”, Mohit hào hứng kể.

Ước mơ của Mohit nghe chừng đơn giản, đối với quốc gia đông dân nhất nhì hành tinh mà gần đây lại đầu tư khá lớn cho giải đấu trong nước. Tuy nhiên, xét thực tế lịch sử thì có vẻ giấc mơ đó khá xa vời. Không phải cứ đông dân, không phải cứ đổ tiền vào các câu lạc bộ trong nước thì sẽ có một nền bóng đá mạnh, và một đội tuyển mạnh.

“Một số đội tuyển châu Á chơi rất ấn tượng, như Ả Rập Xê Út thắng Argentina, Nhật Bản thắng Đức. Tuy nhiên, đó có thể là những hiện tượng nhất thời. Để khẳng định đẳng cấp thì cần phải duy trì được phong độ như vậy trong thời gian dài”, Mohit chia sẻ. Lời chia sẻ, cũng như bày tỏ quan ngại của Mohit, sau đó đã được chứng thực, khi những đội tuyển châu Á cuối cùng còn trụ lại tới vòng 2 đã nhanh chóng bị quét sạch khỏi sân chơi World Cup. Nhật Bản thi đấu tốt nhưng đã sẩy chân trong loạt đá luân lưu 11 m. Có thể họ thiếu may mắn, nhưng xét về bản lĩnh tổng thể của đội bóng, Croatia đã vượt lên trên họ. Hàn Quốc trong trận đấu sau đó đã gục ngã trước Brazil. Kết quả này không mấy bất ngờ, nhưng thất bại quá dễ dàng của Hàn Quốc như càng bồi đắp thêm ấn tượng về khoảng cách quá xa giữa châu Âu và Nam Mỹ với phần còn lại của thế giới, trong đó châu Á, dù có nhiều tiến bộ gần đây, vẫn còn hụt hơi trong cuộc đua với các nhà khổng lồ.

Nhiều cổ động viên các nước châu Á khác, cũng như Mohit, đến với khán đài World Cup để xem bóng đá, để cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích, đồng thời cũng bày tỏ nỗi khát khao bỏng cháy: một lần được cổ vũ cho đội tuyển nước mình tại World Cup. Họ là những người Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh… dù dưới sân không phải là đội tuyển của họ, thì trên khán đài họ vẫn giương cao cờ tổ quốc, mạnh mẽ bày tỏ khát vọng của mình. Đó là ước mơ, là khát vọng bỏng cháy, nhưng nhìn vào thực tiễn thì thấy vẫn còn rất xa vời.

Tin vào tương lai

Thất bại sau loạt sút luân lưu để lại một nỗi tiếc nuối khôn nguôi cho người Nhật Bản, và cho không ít cổ động viên các nước châu Á khác. Tan trận, nhiều cầu thủ Nhật Bản gục xuống sân. Họ đã đến rất gần cơ hội lịch sử, nhưng vào phút tối hậu đã để vuột mất.

“Mỗi ngày trong suốt 4 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để vượt qua rào cản này nhưng chúng tôi đã không có được kết quả mình muốn. Thật khó mà tiêu hóa nổi”, HLV Hajime Moriyasu đã nói như thế, sau khi cúi đầu tri ân khán giả trên sân Al Janoub có hình dáng như vỏ ngọc trai.

Ông nói các cầu thủ của ông không sụp đổ chỉ vì thất bại ấy: “Chúng tôi đã không vượt qua được rào cản này để tiến vào tứ kết, nhưng các cầu thủ đã cho thấy một thế hệ mới của bóng đá Nhật Bản. Chúng tôi đã đánh bại hai cựu vô địch là Đức và Tây Ban Nha. Chúng tôi nên tự tin vào năng lực của mình và nếu chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu là đuổi kịp mà còn vượt qua, tôi tin rằng tương lai của bóng đá Nhật Bản sẽ rất khác”.

Lời của ông Moriyasu xét ở một góc độ nào đó cũng tương tự lời của chân sút Hàn Quốc Son Heung-min mới đây, rằng không chỉ nên đặt mục tiêu vào vòng 16 đội mà cần nhìn xa hơn. Tất nhiên, vì Brazil là đối thủ mà mọi đội bóng đều muốn tránh, nên việc Hàn Quốc thua trận là điều dễ dự đoán. Chính Son Heung-min cũng thừa nhận: “Họ là ứng cử viên vô địch. Hãy quan sát các cầu thủ của họ. Hễ cho họ khoảng trống là họ lại ghi bàn”. Nhưng đừng vì thua trước Brazil mà tự đặt cho mình một giới hạn về mục tiêu đã đạt được.

Những trận đấu ở vòng 16 đội đã cho thấy trật tự được lặp lại, rốt cuộc World Cup vẫn là cuộc chơi của các đội bóng châu Âu và Nam Mỹ. Tuy nhiên, các chiến thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha và Đức, Hàn Quốc trước Bồ Đào Nha, và Ả Rập Xê Út trước Argentina cũng đã phần nào thổi bùng lên niềm tin. Đẳng cấp là điều khó san lấp được trong ngắn hạn, nhưng việc có những trận đấu chính thức ở sân chơi lớn nhất thế giới, một vài đội tuyển châu Á chơi sòng phẳng với các đội bóng hàng đầu châu Âu và Nam Mỹ khiến cổ động viên các nước châu Á trở nên mạnh dạn hơn, và nhìn xa hơn như lời Son Heung-min.

“Chúng tôi không thể trở thành siêu anh hùng chỉ sau một nỗ lực được. Chúng tôi phải cải thiện bản thân từng bước một. Nhưng việc Nhật Bản tiến tới đây cho thấy chúng tôi có thể chơi tốt trên đấu trường quốc tế. Các cầu thủ này có thể nhìn thẳng vào mắt bất cứ ai và có thể tự tin trước mọi đối thủ” - tuyên bố của ông Moriyasu không phải là một phép thắng lợi tinh thần. Sau những gì Nhật Bản đã thể hiện, bên cạnh người Hàn Quốc, thì tuyên bố ấy dựa trên một niềm tin có cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.