Theo AFP, hai mục tiêu trước mắt của tân Tổng giám đốc WTO là đảm bảo vắc xin Covid-19 được sản xuất và phân phối khắp thế giới chứ không chỉ cho các nước giàu và đẩy lùi sự bảo hộ có xu hướng gia tăng trong bối cảnh đại dịch để thương mại tự do có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thúc đẩy triển khai vắc xin Covid-19
“Tôi tin WTO có thể đóng góp mạnh mẽ hơn vào công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng cách giúp nâng cao khả năng tiếp cận và có được vắc xin của những nước nghèo”, nữ Tổng giám đốc đầu tiên của WTO nói.
Một số nước như Ấn Độ và Nam Phi đã hối thúc việc tạm thời bỏ qua một số quy định thương mại đối với bằng sáng chế để tạo điều kiện cho việc sản xuất vắc xin được nhanh chóng hơn. Thay vì mắc kẹt trong cuộc tranh cãi giữa các thành viên WTO, bà Okonjo-Iweala cho rằng tổ chức này có thể mở ra một con đường nhanh chóng hơn.
“Hiện mối quan tâm của mỗi quốc gia là mọi người đều được tiêm vắc xin vì bạn không được an toàn cho tới khi mọi người được an toàn. Thay vì tranh cãi về những quy định thương mại, chúng ta nên nhìn vào những gì mà khối tư nhân họ đang làm với những thỏa thuận cấp phép để vắc xin được sản xuất ở nhiều quốc gia”, bà có ý nhắc đến cách hãng AstraZeneca đã làm.
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ và một số nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngày 17.2, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Công ty AstraZeneca đồng ý cho nhập khẩu vắc xin Covid-19, số lượng 204.000 liều. Dự kiến, lô vắc xin đầu tiên sẽ về Việt Nam ngày 23.3.
Bà Okonjo-Iweala cũng lưu ý WTO cần nỗ lực đẩy lùi xu hướng các nước hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế và thuốc đặc trị cũng như vắc xin.
Tự do thương mại giúp hồi phục kinh tế
Sẽ tiếp quản vai trò dẫn dắt WTO từ ngày 1.3.2021, bà Okonjo-Iweala hứa sẽ thổi luồng sinh khí mới vào tổ chức thương mại mà theo bà là đã đánh mất sự tập trung vào việc giúp cải thiện điều kiện sống cho con người. Từng là nữ bộ trưởng tài chính đầu tiên của Nigeria và nắm giữ vị trí này lâu nhất, nhà kinh tế học đã qua đào tạo tại trường đại học danh tiếng MIT (Mỹ) cả quyết rằng WTO phải quay lại với chức năng ban đầu của nó là giúp các nước đem lại mức sống tốt hơn cho người dân của mình.
“Đó là tạo ra việc làm và cải thiện cuộc sống. Chắc chắn tự do thương mại phải có vai trò trong tiến trình hồi phục kinh tế”, bà Okonjo-Iweala khẳng định.
Theo bà, WTO đã đánh mất sự quan tâm đối với mục tiêu này từ trước khi đại dịch Covid-19 gây nên suy thoái toàn cầu. Với kinh nghiệm 25 năm làm việc ở Ngân hàng Thế giới (World Bank), bà còn tự tin sẽ làm cầu nối giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Bình luận (0)