Wu Ming-yi và trăm ngả huyền ảo

16/11/2024 07:35 GMT+7

Wu Ming-yi (Ngô Minh Ích) là một trong những tên tuổi xuất sắc, nổi bật của nền văn học Đài Loan đương đại. Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành là minh chứng rõ nét cho phong cách kể chuyện độc đáo, đa chiều của ông.

Những khu chợ là đầu mối cho sự huyền ảo. Trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, những phiên chợ ở làng Macondo luôn kỳ quái, sặc sỡ, điên rồ, được nhà văn miêu tả là nơi ta có thể tìm thấy "mọi thứ mà trí tưởng tượng có thể hình dung (...). Đó là một lễ hội carnival của những vật lạ nằm ngoài khả năng suy nghĩ mà ta chỉ được thấy một lần trong đời mà thôi". Tập truyện ngắn Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của Wu Ming-yi - nhà văn đầu tiên của Đài Loan được đề cử giải thưởng International Booker danh giá - bắt đầu từ một câu trích dẫn của Márquez, và có lẽ tinh thần về một khu chợ dân sinh quái đản cũng từ Márquez mà ra.

Những ngõ hẻm huyền ảo

Chỉ là, khu chợ của làng Macondo bày bán những thứ quái đản: nào thảm bay, nam châm với hứa hẹn chiết xuất được vàng, nào áo giáp của hiệp sĩ Thập tự chinh; còn khu chợ của Wu Ming-yi thoạt nhìn chỉ toàn những cửa hiệu rất đỗi bình thường, rất đỗi hiện thực: những quán mì, quán sủi cảo, cửa hàng Âu phục, cửa hàng quần áo trẻ em, tiệm kính mắt, dịch vụ viết điếu văn, cửa hiệu bói toán, tiệm tạp hóa… Nhưng khi hiện thực bắt đầu va đập liên tục vào nhau thì huyền ảo bắt đầu rỉ ra.

Wu Ming-yi và trăm ngả huyền ảo- Ảnh 1.

Bìa sách Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành (Nguyễn Tú Uyên dịch; Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, 2024)

ẢNH: H.T

Mỗi truyện ngắn trong tác phẩm như dắt ta đi xuyên khu chợ theo một ngõ hẻm lắt léo khác nhau. Vẫn là bối cảnh khu chợ ấy, những nhân vật của truyện này thi thoảng tạt ngang qua truyện kia - như các thị dân vẫn phải bon chen, không thể không xô dạt vào nhau trong không gian chợ vừa chật hẹp mà cũng trải ra tới vô cùng. Những phân mảnh ký ức của mỗi người về khu chợ được ghép lại thành một giấc mơ chung, một thứ hoài niệm tập thể về khu chợ tuổi thơ đã bị đập bỏ trong công cuộc tái thiết thành phố. Đó là một nỗ lực ngược lại với những nhân vật của Márquez. Nhân vật của Márquez ra đi để lập làng cho tương lai. Nhân vật của Wu Ming-yi quay về để lập làng trong kỷ niệm.

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tập truyện ngắn này của Wu Ming-yi cũng không "hướng ngoại", không phóng vào những không gian lớn và trải rộng như trong Trăm năm cô đơn (nào là người bay lên trời, mưa hoa, dịch bệnh mất ngủ tràn lan), mà thường thu vào những không gian hẹp, như một nhà vệ sinh, lồng chim, bộ đồ hóa trang hình con voi, bể cá vàng, mô hình 3D, trần nhà của cửa tiệm cắt may…

Ví như trong truyện Tầng 99, một cậu bé bỗng dưng biến mất. Về sau, các bạn hỏi thật ra cậu đã đi đâu. Cậu ta bảo chẳng đi đâu cả, chỉ đi vào một phòng vệ sinh nữ, nơi lũ trẻ con từng vẽ bậy một bảng điều khiển thang máy tưởng tượng, bấm tầng 99, cuối cùng lại tới tầng 99 thật. Tầng 99 giống hệt như tầng 1, chỉ là cậu đã hóa vô hình trong mắt người khác. Wu Ming-yi đặt công tắc sống/chết vào những cảnh sắc đời thường, đặt những câu đố của thực tại trong những nơi chốn hoặc đồ vật ta vẫn lui tới hay nắm cầm ngày ngày. Công năng chính của chúng không đổi, nhưng thảng hoặc, chúng đột nhiên "giở chứng" và không cho phép ta nhìn thế giới như vốn thế nữa.

Lời nguyền của ảo thuật

Tất cả truyện ngắn trong tập sách giao nhau ít nhất hai điểm: một - chung bối cảnh khu chợ, hai - đều bảng lảng bóng dáng một ảo thuật gia trên cầu bộ hành.

Lại nói, Trăm năm cô đơn cũng có một nhân vật quan trọng gần như là nhà ảo thuật. Đó là Melquíades, một người gypsy kỳ quái. Melquíades không chỉ bán những món đồ quái dị cho người dân làng Macondo, mà chính nhân vật này cũng là người nắm giữ lời tiên tri về sự sụp đổ của ngôi làng cô đơn ấy. Đặt trong thế so sánh với tiểu thuyết của Márquez, nhân vật ảo thuật gia không tên đâu đó cũng là một tái hiện về Melquíades.

Mỗi lần ông bước vào một câu chuyện, ta lại thấy ông trổ tài biến vật này thành vật khác, hồi sinh con chim chết, biến tranh vẽ cá thành cá thật, giấu ngựa vằn trong gian vệ sinh công cộng. Ông ta bẻ nắn mơ và thực. Như thể ông ta lấy một thứ gì đó ra từ trong mơ, rồi lại lấy những thứ khác cất vào giấc mộng. Nhưng ngay từ truyện mở đầu, nhà ảo thuật đã nói với nhân vật kể chuyện rằng, mình chỉ biến những mường tượng trong đầu thành cái khả kiến - một thực hành làm ta liên tưởng tới những nghệ thuật gia - và rằng "tất cả trò ảo thuật của chú đều là giả".

Là giả, nhưng ai cũng muốn tin. Và trong số rất nhiều người tin, có rất nhiều người phải chết. Chết, hoàn toàn không phải do tiếp xúc với huyền ảo, thậm chí rất lâu sau khi được thưởng thức huyền ảo họ mới chết. Nhưng phải chăng, một khi đã từng được thấy huyền ảo, thì khó có thể vờ như hiện thực trả lời được băn khoăn sâu kín của ta? Bất chấp lời cảnh báo phép màu chỉ là giả, huyền ảo thường dụ hoặc khôn cưỡng. Dù biết huyền ảo không dễ bay hơi, nhưng hiện thực thì bền vững hơn sao? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.