"Sao một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài?"
Chiều 27.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân và luật sửa đổi, bổ sung 2 luật về xuất cảnh, nhập cảnh vừa được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình sáng cùng ngày.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) băn khoăn về sự cần thiết cũng như tính hợp lý khi Chính phủ trình sửa đổi luật Công an nhân dân.
Dẫn lại nhận định được nhiều đại biểu đưa ra về việc "tuổi thọ" các đạo luật thời gian qua quá ngắn, ông Hận cho rằng, luật Công an nhân dân mới được sửa đổi năm 2018, có hiệu lực năm 2019 tới nay chưa được bao lâu đã lại sửa.
Theo ông Hận, sau khi rà soát các điều luật đề nghị sửa đổi thì thấy luật không có mâu thuẫn, chồng chéo gì quá lớn.
"Luật không có thêm nhiệm vụ gì đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chủ yếu thêm một số điều luật mà mục tiêu có vẻ thuận lợi hơn thực hiện các quyền như điều kiện thăng hàm cấp tướng trước thời hạn, thêm vị trí hàm cấp tướng, rồi nâng tuổi nghỉ hưu…", ông Hận nhận xét, và cho rằng, việc sửa luật để đồng bộ hệ thống pháp luật là cần thiết, song với luật mới ban hành chưa được bao lâu và cũng chỉ sửa một số nội dung vì lợi ích cho ngành, đơn vị thì cũng nên xem xét.
"Hiện nay, chúng ta đang chống lợi ích ngành, cục bộ, địa phương trong xây dựng luật nên cũng cần lưu ý, rà soát để thông qua luật thì phải chín muồi và được nhân dân đồng tình, ủng hộ", ông Hận nêu.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Công nhân muốn nghỉ hưu sớm, công an muốn tăng tuổi hưu
Đại biểu đoàn Cà Mau phản ánh "một cái nữa cũng rất lạ" là khi ông tiếp xúc cử tri là công nhân lao động thì hầu hết đều đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu, còn trong luật Công an nhân dân sửa đổi thì Chính phủ lại muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
"Tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài? Có lợi ích gì trong này? Do chúng ta được giác ngộ nhiều hơn nên muốn cống hiến nhiều hơn hay thế nào?", ông Hận nêu, và đề nghị cần xem lại để có sự hài hòa lợi ích khi thiết kế, xây dựng luật.
"Xã hội đang nói là tướng công an nhiều quá"
Cũng liên quan việc sửa đổi luật Công an nhân dân, đại biểu Dương Văn Thăng (đoàn TP.HCM), Chánh án Tòa án Quân sự T.Ư, bày tỏ băn khoăn với đề xuất bổ sung thêm vị trí có cấp hàm thượng tướng đối với sĩ quan công an biệt phái làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội.
Theo ông, chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội nhiều năm qua do bên quân đội đảm nhiệm; tới nhiệm kỳ này là công an biệt phái đảm nhiệm.
"Trong cơ cấu hiện nay, nếu bác Trần Quang Phương (Phó chủ tịch Quốc hội - PV) đang là hàm thượng tướng, giả sử Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội lên thượng tướng thì đề nghị tính toán thêm", ông Thăng nêu.
Chia sẻ với đại biểu Thăng, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cho rằng, nếu quy định người đang giữ nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội mang cấp hàm thượng tướng thì phải xem xét luôn cấp bậc hàm của Phó chủ tịch Quốc hội đang phụ trách mảng này.
"Đồng chí Trần Quang Phương đang mang cấp bậc hàm thượng tướng. Bây giờ nếu đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội với lý do chuyển từ Thứ trưởng Bộ Công an sang nên phải quy định có cấp hàm thượng tướng thì tôi cảm thấy không được ổn lắm", bà Tuyết nêu.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM), Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cho biết việc bổ sung 6 vị trí cấp hàm tướng của công an đã có sự thống nhất với Bộ Quốc phòng. Theo đó, sang năm 2024, theo yêu cầu của T.Ư Đảng, Bộ Quốc phòng sẽ trình sửa đổi luật Sĩ quan quân đội để có sự thống nhất.
Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề nghị quy định rõ trong luật tổng số sĩ quan cấp tướng tại ngũ, tại chức là bao nhiêu để tránh chuyện "xã hội đang nói là tướng công an nhiều quá".
"Cái này trái, không đúng tinh thần Bộ trưởng Bộ Công an nói là bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", ông Minh nói, và cho rằng, việc quy định cụ thể trong luật sẽ dễ kiểm soát hơn.
Bình luận (0)