Xã hội hóa sách giáo khoa phải vì người học

14/12/2024 06:03 GMT+7

Việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ là chủ trương đúng chỉ khi người sử dụng mặt hàng đặc biệt này thấy sản phẩm có nhiều ưu điểm hơn trước.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên ở nước ta, sách giáo khoa (SGK) được xuất bản, phát hành theo phương thức xã hội hóa thay vì được chỉ định cho một nhà xuất bản và được nhà nước bảo trợ giá như trước đây.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau 5 năm thực hiện xã hội hóa SGK chỉ ra nhiều điều lạc quan, nhiều gam màu sáng sủa và báo cáo khẳng định đây là một chủ trương đúng, cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy thị phần phát hành SGK giai đoạn 2021 - 2023 của NXB Giáo dục VN từ 100% trước khi thực hiện xã hội hóa, nay còn 71,8%. Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK cũng được khẳng định tạo ra sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy hoạt động biên soạn và phát hành sách. Cạnh đó, SGK xã hội hóa đã huy động số lượng tác giả biên soạn tăng gấp 3 lần so với trước đây, trong đó số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4…

Dù vậy, người trực tiếp bỏ tiền mua và sử dụng SGK thì dường như không quan tâm đến những yếu tố như nhà xuất bản nào chiếm bao nhiêu thị phần, tác giả viết SGK học hàm, học vị ra sao. Điều mà người ta quan tâm là chất lượng, giá cả, sự thuận tiện trong sử dụng, mua sắm SGK hiện nay có ưu điểm nổi trội so với trước hay không…

Trong suốt 5 năm qua, những lời phàn nàn về giá, chất lượng; về cung ứng thiếu, muộn… của SGK chưa bao giờ dứt. Xã hội hóa khiến giá đội lên rất nhiều lần, số sách phải mua nhiều hơn, hiện tượng "bia kèm lạc" nhức nhối hơn khi SGK nào cũng kèm theo sách bài tập, tham khảo… Việc vận hành khi có nhiều bộ SGK còn lúng túng khiến việc chuyển trường, thi cử, kiểm tra đánh giá trở thành nỗi lo thường trực của học sinh, phụ huynh và các nhà trường. Chưa kể có những cuốn SGK quá nhiều sạn nên vừa thực hiện đã phải chỉnh sửa…

Trước những phàn nàn, lúng túng của địa phương khi thực hiện SGK xã hội hóa với nhiều bộ sách khác nhau, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc thay đổi nhận thức về vai trò SGK cần mạnh mẽ hơn. Khi xác định đúng SGK chỉ là học liệu, còn việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh bám sát chương trình và yêu cầu cần đạt thì sẽ không còn thấy những khó khăn như vấn đề các sở GD-ĐT nêu.

Phát biểu ở nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp), từng nêu nghịch lý các lĩnh vực khác khi xã hội hóa sẽ đều hạ giá sản phẩm nhưng riêng SGK càng xã hội hóa thì giá lại càng tăng. "Xã hội hóa SGK là đúng nhưng nên có mức độ phù hợp, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa", ông nói.

Đây cũng là mong mỏi của mỗi người dân, của các nhà trường. Dù xã hội hóa hay thay đổi thế nào, cũng không thể phủ nhận vai trò đặc biệt của SGK, bởi một thay đổi nhỏ trong vận hành mặt hàng này cũng tác động lớn đến mọi gia đình có con đi học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.