Xã hội Việt Nam có những khát vọng cấp tiến ghê gớm

31/08/2015 05:27 GMT+7

70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - bản tuyên ngôn đầu tiên về nhân quyền của VN, đất nước đã có những bước phát triển đặc biệt trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Muốn có nhà nước pháp quyền, phải xây dựng được văn hóa pháp quyền.

70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - bản tuyên ngôn đầu tiên về nhân quyền của VN, đất nước đã có những bước phát triển đặc biệt trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Muốn có nhà nước pháp quyền, phải xây dựng được văn hóa pháp quyền.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt
* Năm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh và thời điểm này cũng đánh dấu 30 năm đất nước đổi mới. Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng nếu như chúng ta có những cải cách, đột phá trong xây dựng nền dân chủ (pháp quyền XHCN) một cách thực chất hơn thì đây là sẽ yếu tố quan trọng thúc đẩy nguồn nội lực của dân tộc được phát huy tốt nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước?
Nhiều người kêu ca rằng so với Thái Lan chúng ta chậm quá, nhưng bây giờ nhìn Thái Lan chúng ta hiểu rằng sự cẩn thận của người Việt đã làm chúng ta tránh được những rắc rối mà người Thái đang vấp phải.
- Tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề nếu cởi mở hơn, nếu tự do hơn, nếu cải cách nhiều hơn thì sẽ có một xã hội tốt hơn hoặc có một năng lực phát triển lớn hơn. Tôi hoàn toàn không nghĩ như thế. Về chuyện này tôi có trao đổi với nhà báo, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai hiện là giảng viên Trường đại học Amsterdam (Hà Lan). Chị ấy có nói với chúng tôi về câu chuyện các cuộc cách mạng ở Trung Đông, nó không nhung lụa giống như một loạt các tuyên truyền. Đã có thời kỳ một số trí thức của chúng ta nói đến việc chúng ta không dũng cảm bằng người Myanmar, vì Myanmar trong vài ba năm là họ dân chủ hóa được xã hội ngay, nhưng bây giờ thì mọi người đều nhận ra rằng thực tế không phải như thế.
Cho nên trong tất cả các quá trình cải cách thì sự lựa chọn giữa cấp tiến và ổn định là sự lựa chọn vô cùng quan trọng. Cấp tiến nghe thì sướng, nhưng sức chịu đựng cần phải bỏ ra vô cùng lớn. Bởi hầu hết các khái niệm hiện nay đều không có chuẩn mực. Chúng ta cứ tưởng rằng độc lập - tự do - hạnh phúc là những khái niệm đã được chuẩn hóa, đã là những phổ quát. Có những lúc tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng cho đến bây giờ tôi thấy rằng không phải thế, mọi khái niệm đều có tính đặc thù liên quan đến các điều kiện kinh tế chính trị và xã hội của từng quốc gia một.
Mọi cuộc cải cách bây giờ không đơn thuần là cuộc cải cách của các yếu tố trong nước với nhau, mà tất cả các yếu tố đều được quốc tế hóa vì chúng ta đã hội nhập rồi.
* Ông nhìn nhận thế nào về quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi có Hiến pháp mới?
- Tôi nghĩ xã hội VN có những khát vọng cấp tiến ghê gớm, những đòi hỏi mạnh bạo nhất được thể hiện đặc biệt trong thời kỳ sửa đổi Hiến pháp. Tại một buổi thảo luận về sửa đổi Hiến pháp của Hội Luật gia, tôi có phát biểu rằng có lẽ những người cộng sản đang tính đến chuyện cải cách theo hướng dân chủ hóa, và họ có thể yên tâm làm nếu giới trí thức VN có một thái độ hợp lý. Còn nếu nhân dịp này chúng ta đòi những điều lớn hơn sức chịu đựng của họ thì họ sẽ co lại. Một dân tộc trưởng thành là một dân tộc ý thức được sức chịu đựng của mình. Một dân tộc đòi hỏi những điều kiện lớn hơn sức chịu đựng của mình là một dân tộc chưa trưởng thành. Giới trí thức đòi hỏi những điều lớn hơn sức chịu đựng của cả xã hội là giới trí thức chưa trưởng thành. Hiện tượng chưa trưởng thành của xã hội hoặc của giới trí thức người ta gọi là trạng thái vị thành niên (tôi dùng chữ của Kant).
Ông Nguyễn Trần Bạt, sinh năm 1946, là một doanh nhân, luật sư, học giả, tác giả của nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu về vấn đề phát triển VN. Ông cũng là người sáng lập, Chủ tịch InvestConsult Group, công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở VN về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi chính sách "Đổi mới" ra đời năm 1987. Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản: Văn hóa và Con người (2005); Cải cách và sự phát triển (2005); Suy tưởng (2005); Cội nguồn cảm hứng (2008); Đối thoại với tương lai (2010); Vượt qua những giới hạn (2013); Con người là tinh hoa của nhau (2015)...
Tôi sợ rằng trạng thái vị thành niên về chính trị của một số lực lượng xã hội đã ngăn cản các quá trình cải cách. Những người cầm quyền là người ta phải cân đong đo đếm từng tí một tất cả các nguyện vọng. Nhiều người kêu ca rằng so với Thái Lan chúng ta chậm quá, nhưng bây giờ nhìn Thái Lan chúng ta hiểu rằng sự cẩn thận của người Việt đã làm chúng ta tránh được những rắc rối mà người Thái đang vấp phải.
* Vậy để xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, phải bắt đầu từ việc gỡ nút thắt nào, thưa ông?
- Bắt đầu từ kiên nhẫn. Dân tộc chúng ta cần phải có kinh nghiệm về pháp quyền, cần phải có văn hóa pháp quyền, cần phải nhận thức pháp luật là một cách thức để điều chỉnh xã hội, để quản trị xã hội. Chúng ta có hai cách, bảo nhau là đức trị, còn ràng buộc nhau bằng pháp luật là pháp trị. Với văn hóa hiện nay của người Việt, chúng ta không lấy vợ bằng hợp đồng được.
Tôi nhớ trong tiểu thuyết Đời tỷ phú của Piere Rey có nói đến nhân vật tỷ phú Hy Lạp Onassis. Khi Onassis kết hôn của với một cựu phu nhân nổi tiếng, ông ấy có một hợp đồng hôn nhân, trong đó có điều khoản là bà ấy không được đẻ bất kỳ người thừa kế nào đối với tài sản của ông ấy.
Chúng ta không thể làm vậy, chúng ta gọi những hợp đồng là thứ sống sượng. Người VN có chấp nhận lấy nhau bằng sự sống sượng như thế không và bao giờ người VN vượt qua cái ranh giới của sự sống sượng ấy để thừa nhận pháp luật có quyền trong đời sống cá nhân. Chúng ta cãi nhau với nhà nước và tưởng rằng quan hệ giữa người dân với nhà nước là tất cả 100% nội dung pháp quyền, không phải như vậy. Pháp quyền có trong tất cả các mối quan hệ giữa người dân với nhà nước, giữa nhà nước và nhà nước và giữa người dân với nhau.
* Theo ông, nhà nước nên đóng vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng văn hóa pháp quyền đó? Hay cứ để mặc xã hội tự hình thành nên văn hóa pháp quyền khi đến một mức phát triển nào đó?
- Bao giờ nhà nước cũng phải hướng dẫn, nhà nước sinh ra để hướng dẫn. Ví dụ trong quá trình thảo luận xây dựng luật pháp, các thông tin từ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, các quan điểm tranh luận, cọ xát với nhau và được báo chí đưa ra ngoài. Đó chính là một cách xây dựng thói quen văn hóa về sử dụng pháp luật. Tôi nghĩ nó có nhiều cách khác nữa mặc dù chúng ta không nói ra nhưng tôi hiểu là chúng ta đã làm rất nhiều cách và tôi hoan nghênh tất cả những cách thức làm không nói ra ấy. Đấy chính là cách thức để biến pháp luật thành văn hóa. Bộ luật nào không biến thành văn hóa được thì nó không có năng lực điều chỉnh xã hội, tức là pháp quyền không có ý nghĩa trên thực tế. Pháp quyền chỉ có ý nghĩa trên thực tế khi nó có năng lực biến thành văn hóa.
 
Hà Nội cấm lưu thông 40 tuyến phố để diễu binh mừng Quốc khánh
* Huy động 2.000 người chống ngập nếu mưa
Nhằm phục vụ cho lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 70 năm Quốc khánh 2.9, Công an TP.Hà Nội đã ra thông báo cấm toàn bộ phương tiện lưu thông ở 40 tuyến đường. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 21 giờ ngày 1.9 đến 12 giờ ngày 2.9, cấm phương tiện (trừ các xe có phù hiệu) lưu thông trên các tuyến đường, phố: Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ, Chùa Một Cột, Độc Lập, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Tôn Thất Đàm, Nguyễn Cảnh Chân, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Lê Hồng Phong, Ngọc Hà, Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Văn Cao), Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến Văn Cao), Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền, Cổ Tân. Các tuyến xung quanh quảng trường Cách mạng Tháng 8, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Kim Mã (từ Liễu Giai đến Nguyễn Thái Học), Liễu Giai, Văn Cao, Trần Phú, Sơn Tây, Nguyễn Chí Thanh (từ Kim Mã đến La Thành), Yên Phụ, công viên Bách Thảo, Đội Cấn (từ Lê Hồng Phong đến Văn Cao), dốc La Pho.
Ngoài ra, các loại ô tô tải, ô tô chở khách từ 24 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe của công ty môi trường thu gom rác, xe có phù hiệu phục vụ diễu binh diễu hành) không được lưu thông trên những tuyến như: Cát Linh, Giảng Võ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn (từ Nguyễn Thái Học đến Đại Cồ Việt), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Khuyến, Hàng Gai, Hàng Bông, Phùng Hưng, Cửa Đông, Lý Nam Đế, Hai Bà Trưng, Lạc Long Quân, Thụy Khuê (từ Văn Cao đến Bưởi), Bưởi, Hoàng Hoa Thám (từ Văn Cao đến Bưởi), Kim Mã (từ Liễu Giai đến Bưởi), Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Láng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Đội Cấn (từ Văn Cao đến Bưởi), Hàng Than.
Theo dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ 28.8 - 3.9, khu vực đồng bằng Bắc bộ có khả năng mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa trên 400 mm. Để phòng chống ngập úng nếu mưa lớn vào dịp lễ Quốc khánh, Hà Nội đã lên kế hoạch đối phó.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, công ty sẽ bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị vật tư dự phòng để triển khai chống úng ngập nhanh chóng khi có mưa lớn, hạn chế tối đa mức độ và thời gian úng ngập. Riêng ngày 2.9, công ty sẽ triển khai đội xung kích, tùy theo mức độ mưa to sẽ huy động lực lượng. Nếu mưa lớn sẽ huy động tối đa lực lượng nhân viên công ty với khoảng 2.000 người. Ngoài ra, công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra nạo vét, làm sạch các miệng xả, hậu cổng... để tăng khả năng tiêu thoát nước, tập trung thực hiện trên các tuyến phố trọng điểm tổ chức sự kiện. Các trạm bơm luôn phải đảm bảo hoạt động tối đa công suất 24/24 giờ.
Hà An - Mai Hà
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.