Xã Yên Na, H.Tương Dương (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa đại ngàn núi rừng Trường Sơn. Dân cư ở đây, hầu hết là người Khơ Mú.
Từ trung tâm xã đi qua một đoạn đường đất lầy lội là những căn nhà sàn nằm tựa lưng núi.
Thấy có người đến chơi, chị Lữ Thị Xuyên (34 tuổi) chạy vào nhà bếp lấy ra ba điếu thuốc lào đã được cuộn tròn và ấm nước chè mời khách.
“Đàn ông thì không nói chứ phụ nữ Yên Na ai cũng “ghiền” thuốc lào cả, “ghiền” đến mức có thể bỏ chồng được chứ nhất định không bỏ thuốc lào”, chị Xuyên cười giải thích.
Chị Xuyên nhón tay vào cục thuốc lào dứt ra một ít, vo tròn như viên bi rồi bỏ vào đầu tẩu, châm lửa. Chị nhắm nghiền mắt kéo đều một hơi dài rồi chậm rãi phả khói thuốc vào không trung.
“Thuốc lá Yên Na “nặng” lắm, phải rít một hơi thật sâu mới cảm nhận được cái độ ngon của nó. Mình biết hút thuốc lào từ năm 7 tuổi. Không phải riêng mình mà mẹ, chồng và cả con gái, con trai mình cũng biết hút”, chị Xuyên nói.
|
Để chứng minh cho “truyền thống” hút thuốc lào của gia đình mình, chị Xuyên gọi con gái 8 tuổi ra “diện kiến khách”.
Bằng một thao tác nhanh nhẹn, cô bé dùng tay cuộn tròn lá thuốc lào lại thành một cái tẩu rồi vo tròn nhón thuốc lào bỏ vào, châm lửa.
Sau một hơi rít kéo dài, đứa trẻ tròn miệng, từ từ phả khói thuốc vào không trung.
Ở Yên Na, đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ ngồi trước cửa, cầm trên tay điếu thuốc lào được cuộn bằng giấy, châm rửa rít từng hơi dài, phả khói một cách bình thản.
Cụ Xeo Văn Lợi (73 tuổi) “bắn” xong điếu thuốc lào cười ví von: “Ở xã Yên Na, để tìm ra một phụ nữ không biết hút thuốc lào là… khó như đặt bẫy bắt con thú trên rừng rậm vậy. Vì ở đây trên 90% đàn bà, con gái đều hút thuốc lào mà”.
Theo lời của cụ Lợi, không chỉ phụ nữ mà toàn bộ đàn ông, con trai Yên Na đều hút thuốc lào và có thói quen mời khách hút thuốc lào mỗi khi đến chơi.
“Thời tiết ở đây lạnh, ban đêm lạnh như cắt vào da thịt con người. Bởi vậy mà từ xưa tới nay, người dân Yên Na đã biết hút thuốc lào để chống chọi lại với cái lạnh”, cụ Lợi giải thích.
Hút thuốc lào để dễ... lấy chồng
Với người Khơ Mú ở Yên Na, hút thuốc lào không chỉ là thói quen mà còn là nét văn hóa đặc sắc và “phương tiện” giúp các chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành tìm hiểu, kết hôn.
Những đêm trăng sáng, trai gái thường hẹn hò nhau chuyện trò, tìm hiểu. Những lúc như vậy, điếu thuốc lào được cuộn bằng giấy hoặc lá cây rừng đã trở thành “vật bất ly thân” giúp họ chống chọi lại với cái lạnh của núi rừng và kéo dài câu chuyện tình.
Chị Mong Thị Kim (42 tuổi) nói: “Từ lúc biết lên rừng, lên rẫy hái măng là con gái Khơ Mú phải tập hút thuốc lào rồi. Như vậy khi lớn lên sẽ dễ lấy chồng hơn”.
Chị Lô Thị Ngọc Là, cán bộ văn hóa xã Yên Na cho biết: Từ bao đời nay, người Khơ Mú ở xã Yên Na nói riêng và H.Tương Dương nói chung đã xem hút thuốc lào như một thói quen không thế thiếu trong đời sống hằng ngày. Mặc dù hiện nay, tỷ lệ đã giảm so với trước, nhưng cũng gần 100% (đàn ông) và trên 90% (phụ nữ) Khơ Mú biết hút thuốc lào.
Theo chị Là, hút thuốc lào là không tốt. Nhiều năm nay, cán bộ văn hóa xã Yên Na đã ra sức vận động người dân nên giảm hút thuốc lào và đi tới bỏ hẳn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cộng đồng, nhưng để làm được điều này cũng không dễ vì đã thành thói quen và nếp sống.
Nguyên Dũng
Bình luận (0)