Xả thải ra biển không ai biết

25/04/2016 07:48 GMT+7

Hôm qua 24.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Hà Tĩnh thị sát, kiểm tra tình trạng cá biển chết hàng loạt.

4 tháng, Formosa nhập 300 tấn hóa chất tẩy khử
Sau khi thăm hỏi các hộ dân và doanh nghiệp nuôi cá, tôm ven biển ở xã Kỳ Hà (TX.Kỳ Anh) bị thiệt hại, Phó thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ ngành liên quan.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT tiếp tục chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cá chết một cách khoa học và cẩn trọng. “Nếu do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, phải tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào”, Phó thủ tướng nói.
5 ngày tới mới có kết quả xét nghiệm
Khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân
cá chết một cách khoa học và cẩn trọng. Nếu do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, phải tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Liên quan đến nghi vấn xả thải của dự án Formosa, báo cáo Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu tại những điểm nhạy cảm nhất từ nhà máy ra và từ phía đường ống vào của hệ thống xả thải. Trong vòng 5 ngày tới sẽ có kết quả xét nghiệm và đến lúc đó mới đủ cơ sở để xác định Formosa có xả thải vượt quy định cho phép ra biển hay không.
Liên quan đến các chất xúc rửa đường ống mà Formosa sử dụng, ông Đào Viết Cường, Phó chi cục Hải quan cửa khẩu Vũng Áng cho biết, hồ sơ thông quan cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa) nhập khẩu số lượng lớn nhiều loại hóa chất liên quan như hóa chất chống gỉ, chống ăn mòn, làm sạch bề mặt kim loại, kháng khuẩn, khử trùng, truyền nhiệt, hút tạp chất... Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2016, Formosa đã nhập khẩu gần 300 tấn các loại hóa chất này.
Ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường của Formosa giải thích, công ty nhập khẩu các loại hóa chất trên là để súc rửa hệ thống đường ống của hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước sau khi súc rửa đường ống được đưa vào khu xử lý nước thải để xử lý theo quy trình tự động khép kín, đạt tiêu chuẩn của Bộ TN-MT VN rồi mới xả thải ra ngoài, thông qua hệ thống đường ống dài 1,5 km nối liền từ dự án ra đáy biển.
Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo chính quyền và một số người dân ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam, Kỳ Phương (TX.Kỳ Anh) cho biết Formosa đã xả thải ra vùng biển Vũng Áng từ lâu nay và các lần tẩy rửa ống xả thải không hề thông báo trước lịch trình, quy trình xả thải cho địa phương biết. “Họ xả thải không thông báo nên chúng tôi không giám sát được việc xả thải đó có gây ô nhiễm môi trường không”, ông Chu Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi nói.
Nhận xét về việc dự án Formosa sử dụng hóa chất độc hại để súc rửa đường ống nhưng không báo cơ quan hữu trách, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên Khoa Môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển cho rằng, dư luận có quyền nghi ngờ nguồn thải sau khi súc rửa đã xả thải thẳng ra biển. Nếu điều này là sự thật thì sẽ rất nguy hiểm.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Võ Tuấn Nhân cũng thừa nhận hệ thống quan trắc tự động của nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đấu nối với Sở TN-MT Hà Tĩnh để sở này giám sát việc xả thải.
Phản ứng quá chậm và bị động
Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có phải thuê chuyên gia nước ngoài xác định chất độc trong nước biển khiến cá chết hàng loạt hay không, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, sắp tới, nếu không xác định được, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với Mạng lưới môi trường biển quốc tế để truy tìm nguyên nhân.

TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá, phản ứng của cơ quan chức năng trong việc ứng phó với thảm họa cá biển chết hàng loạt là chậm và bị động. “Khi cá chết hàng loạt, ban đầu người ta cứ nghĩ đó như một việc không quá nghiêm trọng, cử vài anh xuống kiểm tra, về làm cái báo cáo tình hình, không phát hiện, không phỏng vấn sâu người dân. Khi sự việc nóng lên, cách vào cuộc lại có vấn đề. Phản ứng của các cơ quan khoa học theo kiểu giải quyết tình thế. Làm như vậy là không được. Anh phải sử dụng phương pháp kiểm soát vào điểm nóng và kết hợp với thanh tra, kiểm soát, trong đó có sự vào cuộc tích cực của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường”, TS Hồi nói.
TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường (Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH-CN) bức xúc: “Vũng Áng là lãnh thổ của VN nhưng trớ trêu là ngay khi có sự cố đầy nghi vấn, cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT lại nói không có thẩm quyền vào để kiểm tra tại chỗ đường ống xả Formosa. Đất nước sẽ đi về đâu nếu chúng ta không có chủ quyền ngay trên mảnh đất của mình? Sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung, tác hại lớn không chỉ đến kinh tế, môi trường mà cả lòng dân. Nhưng cá chết từ 6.4 mà đến ngày 23.4 các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa đưa ra nguyên nhân thuyết phục, càng chứng tỏ sự bất cập của bộ máy quản lý từ T.Ư đến địa phương”.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi đề xuất: Muốn có kết quả chính xác cần phải có đơn vị độc lập vào cuộc lấy mẫu phân tích tìm nguyên nhân chứ không thể giao cho Bộ TN-MT vì “thường là cơ quan chức năng ở T.Ư hay nể nang lãnh đạo tỉnh, ông nọ nể ông kia, người dân phải chịu thiệt”.
Cần công khai ĐTM
GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và tài nguyên nước VN chia sẻ, theo quy định của pháp luật, các dự án đều phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Là chuyên gia đầu ngành nhưng
GS Tuấn cho biết ông chưa bao giờ được tiếp cận ĐTM của Formosa. “Thực tế, cơ quan chính quyền nhiều địa phương thường thấy món lợi ích kinh tế trước mắt do dự án mang lại mà lờ đi, nhắm mắt thông qua ĐTM. Doanh nghiệp cũng không dại gì công khai ĐTM cho giới chuyên gia góp ý do lo ngại vấp phải các ý kiến trái chiều, có thể làm chậm lại quá trình đầu tư. Cứ khi nào có báo chí, người dân nêu lên, dư luận xôn xao thì cơ quan chức năng từ cấp bộ, sở ngành mới lập đoàn đi thẩm định. Các vụ việc giống như cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung gần đây, lấp sông Đồng Nai... chỉ toàn báo chí, người dân phát hiện chứ không mấy khi thấy cơ quan chức năng phát hiện”, GS Tuấn nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ đặt vấn đề, nếu đường ống xả thải khổng lồ của Formosa có trong ĐTM và được Bộ TN-MT cấp phép thì theo quy định nó phải được thông qua một bước quan trọng là tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương. Một nguyên tắc cơ bản của việc làm ĐTM là phải công khai minh bạch nên chính quyền địa phương và người dân phải biết về đường ống này. “Nhưng theo thông tin báo chí phản ánh thì có vẻ như người dân địa phương bất ngờ về đường ống này", ông Tuấn nhận xét.
TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi VN cũng khẳng định, ông cùng nhiều đồng nghiệp khác chưa từng được tiếp cận ĐTM của Formosa. Formosa là một dự án rất lớn, tác động đến môi trường cao vì vậy cần phải công bố, minh bạch ĐTM đến công chúng.
 Cứu cá voi trôi dạt vào bờ
Ảnh: Minh Luật

Chiều 24.4, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hải (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) cho biết ngư dân trên địa bàn xã đã cứu hộ, thả về biển một con cá voi trong tình trạng đuối sức.
Con cá voi nói trên đã trôi dạt vào bờ biển giáp ranh giữa hai thôn Cự Lại Nam và Cự Lại Bắc (xã Phú Hải) vào cuối chiều 23.4. Cá dài khoảng 4 m, ước nặng hơn 100 kg. Ban đầu bà con tưởng cá voi đã lụy (chết) nên định tổ chức chôn cất theo nghi thức cổ truyền, nhưng sau thấy cá còn sống nên đã thả trở lại biển (ảnh).    
Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.