Xác định giá đất bỏ quên tiền sử dụng đất

14/06/2024 11:13 GMT+7

Tại buổi tọa đàm "Định giá đất: Đúng và đủ" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 14.6, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng tiền sử dụng đất (SDĐ), chi phí thực tế khi doanh nghiệp phát triển đất làm dự án bị bỏ quên trong dự thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, hiện có tình trạng dự án bị tắc do không có đơn vị tư vấn. Nhưng  không có đơn vị tư vấn thì chắc chắn có vấn đề. Chúng ta phải hỏi, tại sao không chọn được đơn vị tư vấn?. Và cần tháo gỡ chỗ này để tìm ra đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước. Một câu chuyện khác là khi luật mới có hiệu lực thì những dự án trước đó xử lý như thế nào. Quy định đang có tính tiền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định giao đất. Vậy quyết định giao đất trải dài từ năm 2013 tới 2023 thì giải quyết như thế nào. Những dự án giai đoạn này với gần 60.000 căn nhà của người dân bị vướng cần gỡ.

Xác định giá đất bỏ quên tiền sử dụng đất- Ảnh 1.

Quanh cảnh tọa đàm ngày 14.6

ĐỘC LẬP

Ông Nghĩa nhấn mạnh, tiền SDĐ phải đóng được tính bằng tổng doanh thu trừ cho tổng chi phí cộng và lợi nhuận định mức. Ở đây, thường phát sinh mâu thuẫn với cơ quan nhà nước ở chỗ cơ quan nhà nước luôn luôn tìm làm sao cho doanh thu ở mức lớn nhất, chi phí thấp nhất để ra tiền sử dụng đất lên cao nhất. Ngược lại, doanh nghiệp lại chứng minh chi phí hợp lệ, doanh thu phù hợp. Hai bên ngược nhau dẫn đến câu chuyện đơn vị tư vấn không giải quyết được vấn đề này. Dẫn một ví dụ cụ thể, ông Lê Hữu Nghĩa cho hay nhà xe thì sở hữu của người dân nhưng tính toàn bộ diện tích nhà xe đó tính doanh thu một năm bao nhiêu nhân cho vòng đời lên 50 năm. Nhưng luật quy định phần này không thuộc sở hữu của người dân nhưng vẫn tính cho chủ đầu tư.

Hay doanh thu khi áp giá, tại thời điểm bán dự án có giá không được áp dụng mà tính theo giá dự án tương đồng. Giả sử một dự án đang bán giá 35 triệu đồng/m2, nhưng lại kiếm một dự án tương đồng khác lên 50 triệu đồng/m2 áp vào, dẫn đến câu chuyện doanh thu đội lên rất nhanh, tăng tiền sử dụng đất. Bởi giá khác nhau tại từng thời điểm khác nhau. "Chính vì chỗ này mà anh em hay gọi là tận thu. Mong làm sao chúng ta có thể hài hòa được lợi ích để giúp nền kinh tế phát triển", ông Nghĩa cho hay.

Một vấn đề khác được ông Lê Hữu Nghĩa đề cập đó là lợi nhuận định mức của nhà đầu tư bao nhiêu. Ví dụ, nhà ở xã hội hiện có lợi nhuận định mức là 10% nhưng lợi nhuận nhà ở thương mại được áp dụng bao nhiêu. Đây là một ẩn số. Các đơn vị tư vấn tính 15 - 20% cho nhà ở thương mại. Đây là câu chuyện bàn cãi giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, cơ quan nhà nước chưa gặp nhau, cứ kéo dài. Ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị: "Chúng ta cần tìm đáp án chung để giải quyết vấn đề này. Vừa giúp nhà nước thu tiền, doanh nghiệp cũng đóng được tiền SDĐ, người dân có giấy chứng nhận".

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, nhà ở xã hội có quy định doanh nghiệp tự tìm đất và bồi thường, đất đó không được tính vào giá thành vì nhà ở xã hội do nhà nước cấp. Doanh nghiệp bồi thường xong, nhà nước sẽ trả lại tiền cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lợi nhuận 10% nhưng tiền bồi hoàn chờ hoài. Một dự án đầu tư 500 tỉ đồng, lợi nhuận 10% là 50 tỉ đồng trong đó tiền bồi thường hàng trăm tỷ nhưng chờ hoài không được hoàn trả, kéo dài từ năm này qua năm nọ. Gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Dẫn đến câu chuyện lợi nhuận dự án không phải lời 10% do không được hoàn trả kịp thời tiền bồi thường.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, trong tính tiền sử dụng đất, một vướng mắc rất lớn là Nhà nước trừ lại tiền bồi hoàn cho doanh nghiệp theo giá nào? Trong thực tế, doanh nghiệp bồi thường cho người dân theo giá thị trường, nhưng Nhà nước lại bồi hoàn theo bảng giá đất thì doanh nghiệp lỗ. "Đây là điểm trọng yếu nhất trong tính giá. Dự án 2.000 tỉ, bồi thường 500 tỉ đồng, tiền bồi thường cao thì người dân có tiền mua được nơi ở tốt hơn. Nhưng khi tính tiền trả lại cho doanh nghiệp thì chỉ có thể tính 100 tỉ đồng. Doanh nghiệp lỗ ngay 400 tỉ đồng. "Vậy nếu tính đúng và tính đủ thì nên trừ lại cho doanh nghiệp theo giá thị trường. Mong cơ quan nhà nước tính lại chỗ này", ông Nghĩa cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.