Xác định lại lợi ích

13/12/2024 09:55 GMT+7

Nhìn vào bề ngoài thì định hướng chính sách đối ngoại mới của chính phủ hiện tại ở Thụy Điển gây bất ngờ.

Định hướng mới này được Ngoại trưởng Thụy Điển thể hiện ở sự chuyển dịch từ mục tiêu đề ra lâu nay là nỗ lực trở thành một cường quốc thế giới về đạo lý sang mục đích tập trung thuần túy và trước hết cho lợi ích và an ninh của Thụy Điển.

Xác định lại lợi ích- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard phát biểu tại Singapore hồi tháng 11.2024

Ảnh: Reuters

Trên thực tế và trong thực chất thì sự điều chỉnh này lại không gây bất ngờ bởi logic và không thể khác mà chỉ sớm hay muộn thôi từ sau khi nước này từ bỏ quốc sách trung lập để gia nhập liên minh quân sự NATO. Một khi đã đứng trong hàng ngũ thành viên của liên minh quân sự thì Thụy Điển không thể tiếp tục trung lập được nữa mà phải chọn bên trong các mối quan hệ đối ngoại của Thụy Điển và trong tất cả các vấn đề chính trị thế giới đang đặt ra hiện nay cũng như trong tương lai. Những liên minh quân sự như NATO luôn quả quyết tồn tại chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho các thành viên, nhưng trên thực tế có tham gia ở nhiều mức độ, thậm chí tham chiến trực tiếp vào các cuộc chiến ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ các thành viên.

Xem ra, Thụy Điển vừa muốn vừa bị buộc phải xác định lại lợi ích và ưu tiên lợi ích. Vươn lên và được thế giới công nhận là cường quốc thế giới về đạo lý đã trở nên bất khả thi đối với Thụy Điển. Gia nhập NATO mà NATO lại đang sa vào cuộc đấu kháng không khoan nhượng với Nga và hậu thuẫn Ukraine trong cuộc chiến với Nga thì đương nhiên đảm bảo an ninh riêng và gây dựng vai trò chính trị an ninh cho châu Âu mới là lợi ích chiến lược thiết thực nhất đối với quốc gia này. Cách tiếp cận lợi ích quốc gia của Thụy Điển ở đây vì thế rất thức thời và sự thức thời này vẫn còn kịp thời chứ chưa phải là đã quá muộn đối với Thụy Điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.