Xác minh chứng chỉ ngoại ngữ: Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo quyền lợi của thí sinh

15/06/2023 10:21 GMT+7

Thí sinh hoang mang sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT về xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi bài thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi của các em.

Theo văn bản Bộ GD-ĐT yêu cầu xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các chứng chỉ hợp pháp gồm: thứ nhất, chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại Việt Nam trước ngày 10.9.2022 (đây là thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 11/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành).

IELTS trên 4.0 vẫn không được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ Bộ GD-ĐT ra quy định mới

Thứ hai, chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam sau ngày phê duyệt. Danh sách cơ sở được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT).

Thứ ba, chứng chỉ cấp cho người dự thi theo hình thức Home edition trước ngày 10.9.2022.

Xác minh chứng chỉ ngoại ngữ: Bộ GD-ĐT sẽ đảm bảo quyền lợi của thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT năm nay

QUỲNH VÂN

"Việc xác minh chứng chỉ (mẫu và thông tin cụ thể in trên chứng chỉ) thực hiện bằng cách tra cứu tại trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức thi cấp chứng chỉ, đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tại Việt Nam hoặc yêu cầu người có chứng chỉ cung cấp thông tin, minh chứng", văn bản của Bộ GD-ĐT nêu.

Sau khi các trường THPT nhận được văn bản này, không ít trường THPT ở Hà Nội và TP.HCM tỏ ra rất lo lắng bởi thí sinh chỉ biết dự thi và nhận được chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ chứ không thể biết được thời điểm và địa điểm dự thi có hợp lệ hay không.

Nếu tra soát lại, thí sinh trước đó đã được miễn thi, lại phải đi thi thì đẩy các em vào tình huống quá bất lợi cả về tâm lý lẫn sự chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi. Đặc biệt, thí sinh khi biết được miễn thi sẽ chủ quan không tập trung ôn tập môn ngoại ngữ trong khi thời gian từ nay đến ngày thi chỉ còn hơn 10 ngày nữa.

Chính vì vậy, thí sinh và các trường THPT đều mong muốn Bộ GD-ĐT có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh một cách sớm nhất.

Trao đổi với Thanh Niên sau khi tiếp nhận thông tin này, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cho biết: bộ đang cân nhắc kỹ và sẽ có hướng dẫn theo hướng bảo đảm quyền lợi thí sinh, tránh để các em hoang mang, lo lắng.

Vị này cũng đồng quan điểm khi cho rằng, thí sinh không có lỗi vì các em không thể biết địa điểm và thời gian thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ có được phép hay không.

 Theo ghi nhận của Thanh Niên, số thí sinh dùng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Tại Hà Nội, năm 2019, có khoảng 5.000 học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; năm 2020 khoảng 7.000 học sinh; năm 2021 hơn 10.000 học sinh; năm 2022 hơn 13.000 học sinh và đến năm nay là 15.991 học sinh.

Trên toàn quốc, năm nay, Bộ GD-ĐT chưa có thống kê cụ thể nhưng theo Cục Quản lý chất lượng, kỳ thi năm 2022 có khoảng 35.000 học sinh dùng chứng chỉ quốc tế để miễn thi ngoại ngữ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27.6 và đạt mức điểm tối thiểu với từng loại chứng chỉ (ví dụ IELTS là 4.0) sẽ được quyền miễn thi ngoại ngữ.

Khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.

Năm 2022, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra các điều kiện đảm bảo để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD-ĐT.

Hàng loạt các đơn vị tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, Aptis, Cambridge (Starters, Movers, Flyers, PET, KET); chứng chỉ HSK, HSKK (đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế); Nat-test (năng lực tiếng Nhật)… đã phải thông báo hoãn việc tổ chức các kỳ thi để làm thủ tục xin cấp phép từ Bộ GD-ĐT từ tháng 9 - 11.2022.

Từ ngày 11.11.2022 đến nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trở lại cho các đơn vị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.