Xác tàu ngầm HMAS AE1 |
hải quân hoàng gia úc |
Chỉ có ít người biết được vị trí chính xác của HMAS AE1, tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Úc bị đắm khi đệ nhất thế chiến nổ ra. Lúc đó con tàu gia nhập hạm đội chưa đầy 7 tháng.
Bí ẩn lâu đời nhất của hải quân Úc
Khi gặp nạn, tàu ngầm 726 tấn đang di chuyển bên ngoài bờ biển hiện nay là Papua New Guinea. Đến ngày 14.9.1914, phía hải quân chính thức thông báo nó mất tích. Suốt hơn một thế kỷ, nỗ lực tìm kiếm tung tích con tàu vẫn chưa hề bị gián đoạn, trong đó có thân nhân của 35 thủy thủ trên tàu. Tàu ngầm HMAS AE1 trở thành bí ẩn lâu đời nhất trong lịch sử Hải quân Hoàng gia Úc.
Phải đợi đến năm 2017 vị trí của xác tàu ngầm mới được tìm thấy trong sứ mệnh tìm kiếm lần thứ 13. Lúc đó, HMAS AE1 được phát hiện ở độ sâu 300 m ngoài khơi Quần đảo Công tước xứ York của Papua New Guinea. Xác tàu vẫn trong tình trạng nguyên chiếc và được bảo quản khá tốt, theo báo The Sydney Morning Herald.
Chính phủ Úc không công bố vị trí xác tàu nhằm phòng ngừa nguy cơ trục vớt phi pháp, và chính thức xem đây là “mộ phần chiến tranh”.
Nguy cơ từ “hải tặc xẻ xác tàu”
Trong thời gian qua, nhiều xác tàu đắm đã bị “xẻ thịt”, và hung thủ là những kẻ săn lùng xác tàu để lấy kim loại trong lòng biển, gọi chung là “hải tặc xẻ xác tàu”.
Theo báo The Guardian, những xác tàu đắm trong giai đoạn thế chiến thứ hai có giá rất cao, do vỏ tàu làm bằng thép được rèn đúc trước khi thế giới bước vào kỷ nguyên hạt nhân. Điều này có nghĩa là chúng làm từ thép không bị ô nhiễm phóng xạ từ các vụ thử bom nguyên tử.
Thép dạng này có độ tinh chất cao, phù hợp cho việc chế tạo máy MRI (chụp cộng hưởng từ), máy dò bức xạ gamma và những thiết bị cực nhạy khác trong nỗ lực săn lùng vật chất tối. Vật chất tối được cho chiếm đến 85% khối lượng vật chất của vũ trụ. Đến nay, giới thiên văn học chưa thể quan sát trực tiếp dạng vật chất vô hình này, mà chỉ có thể tìm hiểu một cách gián tiếp thông qua các cỗ máy làm từ thép tinh chất cao.
Chân vịt của xác tàu cũng được bán giá cao. Thậm chí một số băng nhóm còn nhắm đến số vũ khí chôn theo tàu.
Phóng sự điều tra của tờ The Guardian vào năm 2017 cảnh báo hàng chục xác tàu chiến Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc đang nằm trong tầm ngắm của các băng hải tặc trục lợi từ xác tàu.
Tuần dương hạm hạng nhẹ HMAS Perth |
Bộ quốc phòng úc |
Trong số này, HMAS Perth, tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Hoàng gia Úc, đã bị cướp phá. Vào thời điểm Trận chiến Eo biển Sunda nổ ra ngoài khơi Indonesia ngày 1.3.1942, các tuần dương hạm của phe Đồng Minh là HMAS Perth và USS Houston bị đánh chìm trong lúc chạm trán với đội tàu của Nhật Bản.
Năm 1967, xác tàu HMAS Perth 6.830 tấn được tìm thấy ở độ sâu 35 m ở vùng biển giữa các đảo Java và Sumatra. Đến năm 2013, xác tàu bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bị trục vớt bất hợp pháp.
Tiến sĩ James Hunter của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Úc bày tỏ quan ngại đối với tình trạng của xác tàu ngầm HMAS AE1. Ông hy vọng việc giữ kín vị trí của xác tàu, nỗ lực bảo vệ của chính phủ Úc cũng như độ sâu của nó có thể cho phép HMAS AE1 thoát khỏi vận mệnh bị cướp bóc như HMAS Perth.
Bình luận (0)